Trung Quốc bị chỉ trích 'sân khấu hóa' vụ xử tử 10 tử tù
Quốc tế - Ngày đăng : 16:49, 19/12/2017
Các chuyên gia cũng nói vụ xử tử công khai này cho thấy sự tuyệt vọng của cán bộ chính quyền, khi cư dân mạng có những phản ứng tiêu cực với phương cách xử án nơi công cộng làm nhớ lại việc các nhà tư bản và địa chủ bị đấu tố trước đám đông, hồi những ngày đầu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
“Đừng sân khấu hóa án tử hình công khai”
Báo Guardian ngày 19.12 trích bài xã luận của báo Tin tức Bắc Kinh chạy tựa Hãy ngưng sân khấu hóa tuyên án tử hình công khai.
Bài xã luận viết: “Với mức án nghiêm khắc nhất, án tử hình phải có tính nhân đạo tối thiểu. Điều cần thiết là chống bêu nhục công khai cùng cấm các mức trừng phạt phi pháp luật, nếu không thì sẽ là một sự bêu riếu tínhnghiêm túc của luật pháp”.
Một Thế Giới đã đưa tin: Vụ xử tử 10 tử tù ngay tại sân vận động của thị xã Lục Phong (thuộc thành phố Sán Vĩ, tỉnh Quảng Đông) ngày 16.12.
Các tù phạm bị giải đến sân vận động trên xe tải của công an. Tiếp đó, họ bị đưa lên sân khấu, 4 công an viên đeo kính đen đứng sau mỗi tù phạm.
Trong 10 tử tù có 7 người phạm tội sản xuất và buôn lậu ma túy. 3 người còn lại phạm tội giết người và trộm cướp. Các biểu ngữ cổ động chiến dịch bài trừ ma túy toàn quốc được treo quanh sân vận động.
Lần lượt từng tù phạm được đưa đến một sân khấu nhỏ để nghe đọc bản án. Ngay sau đó, 10 tử tù bị đưa đi để thi hành án tử hình.
Hàng ngàn người dân đã xem vụ tuyên án tử hình, vài tờ báo đưa tin học sinh mặc đồng phục cũng đến xem. 4 ngày trước vụ xử án, tức ngày 12.12, dân địa phương được mời tới dự phiên xử án, trong một thông báo chính thức trên mạng xã hội.
Về chính thức, Trung Quốc cấm xử án ngoài phòng xử án, theo các qui định của ngành tư pháp, viện kiểm sát và công an. Nhưng các chính quyền địa phương vẫn thực hiện cách bảo vệ công lý của theo hướng bạo lực.
Nữ giáo sư luật học Michelle Miao của Đại học Hồng Kông, nói: “Chính quyền địa phương vẫn còn ủng hộ dạng xét xử công khai này. Đang có một sự không kết nối giữa lãnh đạo trung ương muốn chỉnh đốn, với các cán bộ địa phương muốn duy trì sự trừng phạt cứng rắn”.
Bà Miao nói thêm rằng biện pháp xử tử công khai là dấu hiệu chính quyền địa phương thất vọng và tuyệt vọng trong cuộc đấu tranh bài trừ ma túy. Vì thế, việc tuyên án tử hình công khai được tổ chức tại một vùng nổi tiếng về sản xuất ma túy đá.
Nhưng từ sự quá chú ý đến vụ xử tử 10 tử tù, bà Miao kỳ vọng lãnh đạo Trung Quốc sẽ cố gắng chấm dứt chuyện xét xử công khai, đặc biệt là từ nhiều phản ứng tiêu cực trên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng đã mạnh mẽ lên án kiểu “sân khấu hóa” phiên tòa công cộng, và vài người nói cách xử án này “cho thấy hệ thống pháp lý minh bạch đã hoàn toàn biến mất”.
Một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Webo Xina: “Nếu đạo đức của chúng ta hiện quá xuống cấp nên chúng ta khát đòi xem xử án công khai, thì chúng ta cũng có thể thử tiến hành xử tử công khai”.
Nhưng cũng có một số người ủng hộ kiểu xử án công cộng này, nói bọn tội phạm không đáng được hưởng quyền được tôn trọng, vì chúng đã gây ra nhiều hậu quả.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã cố gắng kéo giảm số án tử hình, bắt đầu bằng qui định hồi năm 2007 rằng tất cả án tử hình phải được Tòa án nhân dân tối cao xem xét và chấp thuận. Tòa án nhân dân tối cao đã vận động ủng hộ chủ trương “xử tử ít hơn, xử tử cẩn trọng” và trong 1 năm đã bác khoảng 10% án tử hình.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, Tòa án nhân dân tối cao đã chấp thuận 10 án xử tử hình tại sân vận động thị xã Lục Phong.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã giảm số án tử hình, dù Trung Quốc vẫn áp án tử hình với các tội phi bạo lực như buôn lậu ma túy, tội phạm kinh tế.
Nhà nghiên cứu William Nee thuộc tổ chức Nhân quyền Quốc tế nói: “Tội liên quan ma túy không nên là tội phạm nghiêm trọng nhất, vì thế việc tuyên án tử hình phải được hạn chế theo luật quốc tế. Trung Quốc cần lập tức ngưng sử dụng án tử hình đối với tội phạm liên quan ma túy”.
Salil Shetty, Tổng thư ký của tổ chức Nhân quyền Quốc tế nói: “Trung Quốc muốn ở vị trí lãnh đạo thế giới, nhưng về án tử hình, nước này dẫn đầu theo cách tệ nhất: hàng năm xử tử người dân nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận tụt hậu về sự minh bạch pháp lý, nhưng vẫn giấu tầm cỡ xử tử hình. Đã đến lúc Trung Quốc vén màn bí mật chết người này, và làm rõ về hệ thống án tử hình”.
Theo tổ chức nhân quyền phi chính phủ Dui Hua Foundation(Mỹ) thì hồi năm 2016, Trung Quốc xử tử hình 2.000 người. Như vậy là đã giảm so với năm 2002 có 12.000 vụ xử tử hình ở Trung Quốc.
Bảo Vĩnh (theo Guardian, Newsweek)