Mạng lưới tài chính ở nước ngoài của Triều Tiên gặp khó vì Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 13:43, 14/12/2017
Báo cáo cho biết hàng loạt biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia đơn lẻ khác áp dụng với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này đã buộc Bình Nhưỡng phải dùng đến những cách bất hợp pháp để lách trừng phạt.
Theo C4ADS và Viện nghiên cứu Sejong, Triều Tiên đã vận hành một hệ thống tài chính ở nước ngoài khá phức tạp để duy trì dòng tiền tệ cứng (loại tiền tệ khó bị biến động của vật giá chi phối), nhưng làm như vậy có nghĩa là Bình Nhưỡng đã mất quyền kiểm soát đối với tài sản của chính mình.
Báo cáo viết: “Bằng cách che giấu những hoạt động phi pháp trong hệ thống tài chính của mình, Triều Tiên vẫn tham gia được vào hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng tài sản của nước này vốn đã rất dễ bị tổn thương”.
Trích dẫn phát hiện của Bộ Tư pháp Mỹ, báo cáo cho biết có một mạng lưới công ty ở Trung Quốc đã giúp Triều Tiên kiếm được hàng tỉUSD trong nhiều năm qua thông qua mua bán than. Washington ước tính 95% số tiền này được dùng tài trợ cho các chương trình vũ khí.
Báo cáo còn phát hiện trong giai đoạn 2013 - 2016, 4 doanh nghiệp Trung Quốc gồm 3 công ty thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh) là công ty TNHH phát triển thực nghiệp Hồng Tường, công ty TNHH vật liệu kim loại Chí Thành, công ty TNHH kinh doanh Thiên Phú và tập đoàn Kim Hầu, chiếm đến 30% xuất khẩu than của Triều Tiên.
Theo báo cáo: “Trong khoảng thời gian 4 năm này, lượng than nhập khẩu này đã cung cấp khoảng hơn 1,3 tỉUSD cho quân đội và chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên”. Trong đó, công ty Chí Thành là nhà nhập khẩu than hàng đầu của Bình Nhưỡng từ 2014 đến 2016. Mô hình hoạt động chung của công ty này là “chuyển than ra khỏi Triều Tiên và đưa hàng hóa phi pháp, bao gồm quân nhu và mặt hàng quân sự vào Triều Tiên”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, theo báo cáo, chiến lược tài chính nước ngoài của Bình Nhưỡng sẽ bị phản tác dụng nếu gặp phải biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn.
Chính quyền Washington từ tháng 9.2016 đã đệ đơn khiếu nại về những khoản tiền của các công ty có liên quan đến Bình Nhưỡng và cũng đã tịch thu tịch thu 84 triệu USD từ 25 tài khoản nằm trong 12 ngân hàng của công ty Hồng Tường.
Báo cáo cho biết: “Lượng tiền mà Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu từ tháng 9.2016 gấp 3 lần số tiền ở ngân hàng Banco Delta Asia bị đóng băng năm 2005”.
Banco Delta Asia bị Mỹ áp dụng một số biện pháp hạn chế hoạt động vì nghi ngờ ngân hàng ở Macau này giúp Triều Tiên rửa tiền. Giới chức Macau đã đóng băng khoảng 50 tài khoản của Bình Nhưỡng tại ngân hàng này.
Cẩm Bình (theo Straits Times)