Bội thực với các cuộc thi sắc đẹp: Nhiều scandal, người đẹp phẫu thuật thẩm mỹ lên ngôi
Văn hóa - Ngày đăng : 07:52, 12/12/2017
Quá nhiều scandal
Mới đây, Phi Thanh Vân và Dương Yến Ngọc đã quyết định đi thi Hoa hậu khiến khán giả không khỏi bất ngờ. Dương Yến Ngọc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới, còn "nữ hoàng dao kéo" thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt và đăng quang ngôi vị cao nhất. Khán giả bất ngờ vì cả hai đều đã công khai phẫu thuật thẩm mỹ và đời tư quá ồn ào.
Trước khi đi thi, Phi Thanh Vân đã có 1 cuộc "đại trùng tu" cơ thể để có một thân hình nóng bỏng với số đo ba vòng 94 - 60 - 104. Tại sao hai người đẹp có thể đi thi dễ dàng như thế. Phải chăng các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam đã xã hội hoá khi nhà nhà đi thi, người người đi thi để mong tìm cơ hội phát triển?
Quả thật, chưa bao giờ ở Việt Nam đi thi nhan sắc lại dễ dàng như vậy. Một năm có không biết bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu đại dương, Nữ hoàng trang sức, Hoa hậu Quý bà, Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu, Hoa hậu người Việt thế giới, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam…
Tính sơ sơ một năm, có trên dưới 10 cuộc thi từ quốc gia cho đến cấp tỉnh, vùng miền được tổ chức ở Việt Nam.
Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có tới gần 20 người đẹp, siêu mẫu đoạt các thể loại danh hiệu tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Có những cuộc thi để lại ấn tượng lớn, mang tầm cỡ quốc gia; nhưng có những cuộc thi nhanh chóng đi vào quên lãng, thậm chí khán giả còn chưa nghe đến tên tuổi.
Theo quy định, mỗi năm sẽ chỉ có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Năm 2017, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 là hai cuộc thi cấp quốc gia được cấp phép. Thế nhưng, thông tin về các người đẹp, siêu mẫu đoạt giải tại các cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước vẫn xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông.
Khán giả lắc đầu ngán ngẩm khi có những cái tên lạ hoắc, xuất hiện trong những cuộc thi cũng lạ hoắc nhưng lại được truyền thông săn đón, đưa tin như một nhân vật nổi tiếng. Những cuộc thi sắc đẹp không còn mang đúng ý nghĩa là vinh danh cái đẹp mà liên tiếp để lại những lùm xùm không đáng có.
Trước đó, tân Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh khiến dư luận tranh cãi, bàn tán sôi sục. Chính người đẹp này thú nhận có “dao kéo” mũi nhưng đã rút nâng mũi trước khi tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, cư dân mạng đã lôi ra hàng loạt ảnh chứng minh người đẹp này còn thẩm mỹ nhiều bộ phận khác, đồng thời ra sức chế nhạo hình ảnh của cô ngay sau khi đăng quang.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã ngay lập tức vào cuộc đề nghị Ban tổ chức làm rõ vấn đề người đẹp này phẫu thuật thẩm mỹ bởi theo quy định “Hoa hậu cấp quốc gia phải là người mang vẻ đẹp tự nhiên”. Chỉ riêng sự thiếu trung thực này đã cho thấy những góc khuất phía sau các cuộc thi nhan sắc hiện nay.
Không phải chỉ đến vụ “lùm xùm” của tân Hoa hậu Đại dương, những bê bối từ các cuộc thi nhan sắc mới được phát hiện mà trước đó, hàng loạt bê bối được phanh phui khiến các đấu trường nhan sắc ngày càng trở nên mất đi giá trị ban đầu. Trước Ngân Anh, Nguyễn Thị Thành cũng cố đấm ăn xôi, tìm mọi cách để có được một cái danh xưng trong cuộc thi sắc đẹp. Cô tham gia hết cuộc thi này tới cuộc thi khác, thậm chí cả việc nói dối về lý do chỉnh sửa răng.
Hay như người đẹp Vương Thu Phương giấu nhẹm việc từng tổ chức lễ cưới để tìm mọi cách có mặt trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Nếu như sự thật đó không bị lôi ra ngay ở giây phút chót, rất có thể cô đã là người được vinh danh ở vị trí cao nhất.
Trong đêm chung kết cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt Nam 2016 có sự tham gia của 50 thí sinh mà có tới 33 doanh nhân được xướng tên với 33 danh hiệu Hoa khôi, Á khôi khiến khán giả không thể không chán ngán. Để hợp thức hóa các danh hiệu, Ban tổ chức đã cố gắng “đẻ” ra thêm nhiều danh hiệu. Rồi nhiều người đẹp sau khi đăng quang lại bị phanh phui đời tư và những scandal không hay ho gì cũng như bằng cấp, học vị…
Đi thi để đổi đời?
Nếu như trước kia, những cô gái đi thi Hoa hậu phải có lý lịch sạch, không phẫu thuật thẩm mỹ và phải chứng minh được họ có vẻ đẹp từ tri thức tới tâm hồn, thì giờ đây bất cứ ai cũng có thể đi thi Hoa hậu và đoạt giải.
Chỉ cần tham gia bất kì một cuộc thi sắc đẹp nào chưa cần đạt giải, giá trị của các người đẹp đã khác. Và sau khi đăng quang, giá trị của các người đẹp càng được nâng lên một tầm cao mới. Cát xê tăng cao, các người đẹp xuất hiện nhiều hơn tại các sự kiện và đương nhiên, cuộc đời họ bước sang một trang mới. Đó là điều ai cũng mong muốn có được sau những cuộc thi nhan sắc.
Một người đẹp khi tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 hồn nhiên chia sẻ mục đích của cô khi đến với cuộc thi là vì: "sự nổi tiếng, thu nhập thật cao". Cô gái ấy chia sẻ, cô nhìn vào tấm gương của Phạm Hương - Hoa hậu đương nhiệm của cuộc thi này để đưa ra mục tiêu đó.
Còn với người đẹp Ngọc Trinh đã có thời điểm gây bão mạng với câu nói “bất hủ” “không có tiền cạp đất mà ăn”. Có thể nhiều người sẽ cười khẩy, phê phán những người đẹp đó quá ngây thơ, hay quá thực dụng nhưng quả thực đó là thực trạng đáng buồn đang diễn ra ở Việt Nam.
Ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc luôn khẳng định, mục đích của họ là vinh danh cái đẹp. Người đăng quang sẽ phải thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Điều này không chỉ được ghi trong tiêu chí các cuộc thi mà ngay trong vòng thi vấn đáp, các giám khảo cũng đưa ra những câu hỏi xung quanh vấn đề đó để thử thách các người đẹp.
Đương nhiên, các thí sinh khi dự thi cũng sẽ cam kết thực hiện những yêu cầu của ban tổ chức. Những người đẹp được lọt sâu vào vòng trong thì càng khẳng định mạnh mẽ nếu đăng quang sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng.
Thế nhưng sự thực hoàn toàn khác. Sau khi đăng quang, khán giả chỉ thấy hình ảnh của họ xuất hiện nhan nhản ở các sự kiện lớn nhỏ. Từ một event của 1 thương hiệu thời trang, xe hơi, mỹ phẩm... thậm chí đến cả một đám cưới, hay event của 1 spa. Chính ông Dương Xuân Nam - cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phải thừa nhận, nhiều người muốn trở thanh Hoa hậu để "đi đóng phim, đóng quảng cáo".
Người đẹp Thu Ngân ngay sau khi đăng quang Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 ngay lập tức lên xe hoa cùng một doanh nhân thành đạt. Thỉnh thoảng khán giả lại thấy cô ăn mặc đẹp, xuất hiện lộng lẫy tại một sự kiện nào đó. Hoa hậu Đặng Thu Thảo - người được coi là Hoa hậu của các Hoa hậu hình như cũng chưa hề có một hoạt động cộng đồng nào nổi bật.
Cô chỉ liên tục xuất hiện tại các sự kiện với mức cát-xê thuộc dạng cao nhất nhì showbiz rồi lên xe hoa với một thiếu gia có tiếng đất Sài thành. Hoa hậu Festival biển 2006 Vũ Ngọc Diệp mất hút sau khi đăng quang và chỉ gây ồn ào trở lại khi kết hôn với một đại gia Hà thành. Hôn lễ của họ gây xôn xao về mức độ hoành tráng. Hơn 30 siêu xe đón cô dâu từ nhà riêng tới một khách sạn 5 sao để tổ chức tiệc mừng.
Sau khi đăng quang Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu 2017, Ngọc Duyên tìm bến đỗ bên một đại gia bất động sản và tuyên bố, lui về "ở ẩn". Hoa hậu Thuỳ Dung cũng chìm nghỉm sau khi đăng quang và vướng lùm xùm khi bị tố chưa tốt nghiệp cấp 3.
Khán giả dường như bội thực vì các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra, liệu các người đẹp đến với các cuộc thi chỉ để mong đổi đời còn các nhà tổ chức đánh bóng tên tuổi, kêu gọi được nhiều tài trợ, quảng cáo. Còn các cuộc thi là nơi để các đại gia tuyển chọn người đẹp?Còn nhiều hoa hậu sau khi đăng quang chỉ khiến khán giả thêm thất vọng khi liên tiếp gây ra những scandal không đáng có. Không thấy một hoạt động nào nổi bật chỉ thấy họ chụp ảnh phản cảm, phì phèo hút thuốc lá nơi công cộng, dùng chất kích thích, bị tố cướp chồng người khác, mua hàng không trả tiền... thậm chí bán dâm, kiêm môi giới với giá cao ngất ngưởng...
Thậm chí nhiều người đẹp còn miệt mài tham gia ở nhiều cuộc thi để mong có được một danh xưng hoa hậu chính thức làm tiền đề để phát triển bản thân sau này. Còn những Hoa hậu hiếm hoi miệt mài với những công tác cộng đồng lại bị coi là nhạt, là không nổi tiếng và chẳng được mấy ai quan tâm, mấy người ngưỡng mộ.
Mai Ngọc/ CSTC