Chính thức bãi bỏ quy định về thủ tục nhập khẩu ô tô và kinh doanh xuất khẩu gạo
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:40, 09/12/2017
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 8.12 đã ký ban hành Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Cụ thể, sửa đổi bổ sung quy định cấp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận trong kinh doanh xăng dầu; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều trong quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương; sửa đổi một số điều trong quy định về xuất khẩu khoáng sản và xuất khẩu than.
Đáng chú ý, thông tư này sẽchính thức bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ô tô chở người loại từ 9 chỗ trở xuống và Thông tư 04/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung các quy định này. Như vậy kể từ ngày 1.1.2018, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống không phải nộp bổ sung giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất loại ô tô đó như quy định hiện hành.
Đồng thời, Thông tư 28 cũng bãi bỏ chương IV của Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31.12.2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4.11.2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ không phải chịu những quy định ràng buộc về việc thuê kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo, giá sản, tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo... để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương thừa nhận những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo về kho chứa, cơ sở xay, xát đã trong Nghị định 109 khiến cho những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ khó đáp ứng.
Do đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân hay những doanh nghiệp có thị trường, khách hàng nhưng không có năng lực tài chính, vốn, đất đai để đầu tư kho chứa nên không được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra là những bất cập trong dự trữ lưu thông, hợp đồng tập trung và hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo; quy định về giá sàn; công tác điều hành và trách nhiệm các bộngành...
Do vậy, Bộ Công Thương sẽ không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở này. Thay vào đó chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm...
Tuyết Nhung