Hội nghị Châu Á-Thái Bình Dương về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục lần thứ 9
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:46, 29/11/2017
Gần 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế đại diện cho các chính phủ, học viện và tổ chức xã hội dân sự tham dự Hội nghị APCRSHR9 - một trong những hội nghị quan trọng nhất trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục.
Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực lớn với tốc độ tăng trưởng và thay đổi nhanh chóng, tác động quan trọng đến các nền kinh tế và xã hội. Trong khi hàng triệu người đang thoát nghèo, những lợi ích mà quá trình phát triển mang lại chưa được chia sẻ một cách công bằng giữa các quốc gia và các nhóm đích đặc thù ở từng quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực sức khoẻ sinh sản tình dục (SKSS&TD), người nghèo và các nhóm yếu thế thường không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tốt.
Tiếp nối thành công của 8 kỳ Hội nghị trước, Hội nghị APCRSHR 9 sẽ tìm giải pháp thúc đẩy việc thực hiện chương trình hành động tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và phát triển năm 1994, góp phần hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, được củng cố bởi Mục tiêu phát triển bền vững, với cam kết không ai bị bỏ lại phía sau.
Tham dự Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đại diện Bộ Nội vụ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Bộ ngành có liên quan. Về phía đại biểu quốc tế có TS. Natalia Kanem, Giám đốc điều hành mới của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), ông Bjorn Andersson, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNFPA... Gần 1.000 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia trong khu vực là các nhà khoa học, nghiên cứu, cán bộ lập sách, giảng dạy, đại diện các tổ chức, nhóm cộng đồng và thanh niên trong các chương trình về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục tại châu Á-Thái Bình Dương. Hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế sẽ tham dự và đưa tin về Hội nghị.
Hội nghị APCRSHR9 được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam với chủ đề “Không ai bị bỏ lại phía sau! Công lý trong sức khỏe sinh sản và tình dục” tập trung vào năm nhóm chủ đề liên quan:
1.Vượt qua rào cản xã hội, văn hóa và tôn giáo trong sức khỏe sinh sản và tình dục;
2.Hướng tới một cơ cấu kinh tế công bằng cho sức khỏe sinh sản và tình dục;
3.Cải thiện công lý cho quyền sinh sản và tình dục;
4.Chương trình giáo dục sức khỏe, sinh sản và tình dục chất lượng tốt cho tất cả mọi người;
5.Thúc đẩy công lý và công bằng trongsinh sản, tình dục và chăm sóc sức khỏe.
Hội nghị Thanh niên, diễn ra vào ngày đầu tiên, là cơ hội để chia sẻ tiếng nói, đối thoại với những nhà lập sách, cán bộ chương trình, nhà tài trợ về các vấn đề và mong muốn của thanh niên liên quan đến chủ đề của Hội nghị. Ngoài ra, nhiều hoạt động ý nghĩa, sôi động như Hội trại thanh niên diễn ra bên lề hội nghị sẽ tăng cường giao lưu, kết nối giữa thanh niên các nước trong khu vực.
Tại Hội nghị chính, 20 diễn giả nổi tiếng gồm các học giả, nhà nghiên cứu, tổng biên tập các tạp chí quốc tế, giám đốc và lãnh đạo các tổ chức, các trường đại học, mạng lưới, cơ quan liên hợp quốc và chính phủ sẽ trình bày và chủ trì thảo luận trong năm phiên toàn thể những vấn đề cấp bách, đang được quan tâm trong lĩnh vực sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục.
Bên cạnh đó, 166 bài trình bày trong 35 phiên song song, và 147 bài tóm tắt đặc sắc khác được trình bày dưới dạng áp phích. Ngoài các phiên toàn thể, những vấn đề chính, đa dạng về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục sẽ được thảo luận trong 27 phiên vệ tinh.
Hội nghị cũng dành thời gian để đại biểu tham quan thực địa 4 mô hình hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe,quyền sinh sản và tình dục tại địa phương. Trong suốt 4 ngày hội nghị, Chương trình Triển lãm với sự tham gia của 25 đơn vị cũng được tổ chức để kết nối và quảng bá hình ảnh các tổ chức tham gia.
Hội nghị là cơ hội chia sẻ những kết quả nghiên cứu, những bài học kinh nghiệm, mô hình thực hành tốt của các tổ chức và quốc gia. Những vấn đề được thảo luận sẽ bao gồm vận động chính sách dựa trên bằng chứng; thách thức và cơ hội trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, Giáo dục SKSS&TD toàn diện chất lượng cao; vai trò tích cực cũng như rào cản với những bước tiến trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục, bao gồm những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi như quyền phá thai và quyền tình dục.
GS.TS. Lê Vũ Anh, Chủ tịch Hội YTCC Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị cho biết: “Thông qua Hội nghị này, Hội YTCC Việt Nam cùng Ban Tổ chức tạo nền tảng để các đại biểu tham gia chia sẻ kinh nghiệm, bài học quý báu của mình. Hội nghị APCRSH9 tạo cơ hội chưa từng có để các tổ chức và cá nhân, mạng lưới tăng cường hợp tác khu vực để cùng đạt được những bước tiến mới trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục cho tất cả mọi người".
Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bà Hoàng Thị Thu Thủy
Phụ trách truyền thông - Hội nghị APCRSHR9
Di động: 0973277330
Email: [email protected]
Bà Đinh Phương Nga
Điều phối viên – Hội nghị APCRSHR9
Di động: 0986 998 427
Email: [email protected]
THÔNG TIN VỀ HỘI Y TẾ CÔNG CỘNG VIỆT NAM
Hội Y tế Công cộng Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập từ năm 2002 với mạng lưới gồm 11 tỉnh Hội thành viên và hơn 6.000 hội viên chính thức. Hội có trụ sở chính đặt tại Hà Nội và là thành viên chính thức của Hiệp hội Y tế Công cộng Thế giới và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội Y tế Công cộng Việt Nam có những ưu tiên phát triển cơ bản, dựa trên 15 năm kinh nghiệm hoạt động của hệ thống hội như sau: 1. Vận động chính sách với các nguy cơ đe dọa sức khỏe quần thể; 2. Xây dựng các mô hình can thiệp YTCC nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe quần thể nổi trội trong các nhóm đối tượng quần thể xác định như: các bệnh không truyền nhiễm, mãn tính (NCDs), Phơi nhiễm với Dioxin, những vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục v.v..; 3. Phát triển trung tâm đào tạo và nghiên cứu đặc thù; 4. Quốc tế hóa tạp chí khoa học YTCC Việt Nam.
Thông tin chi tiết xem thêm tại: www.vpha.org.vn
THÔNG TIN VỀ HỘI NGHỊ CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG VỀ SỨC KHỎE, QUYỀN SINH SẢN VÀ TÌNH DỤC
•Hội nghị Châu Á-Thái Bình Dương về sức khỏe và quyền sinh sản và tình dục (APCRSHR) là diễn đàn khu vực được tổ chức hai năm một lần để cùng xem xét và thảo luận về các chính sách, mô hình thành công trong khu vực liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và quyền sinh sản.
•APCRSHR đã được tổ chức thành công 08 lần tại các nước trong khu vực: Philippines (2001), Thái Lan (2003), Malaysia (2005), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2009), Indonesia (2011), Philippines (2014) và Myanmar (2016).
•Hội nghị APCRSHR9 là hội nghị lớn nhất khu vực về chủ đề sức khỏe sinh sản, tình dục được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam do Hội Y tế Công cộng Việt Nam là đầu mối đăng cai chủ trì.
•Hội nghị nhận được sự hỗ trợ của các đối tác và nhà tài trợ lớn, bao gồm Bộ Y tế; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Quỹ Ford Foundation, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Quỹ David & Lucile Packard Foundation, Quỹ New Venture Foundation, cũng như nhiều tổ chức khác v.v..
Thông tin về Hội nghị APCRSHR 9 có thể xem chi tiết tại:
http://apcrshr9vn.org/
https://www.facebook.com/APCRSHR9/
https://www.facebook.com/apcrshr9youthconference/
(Theo QN)