Lùi thời điểm thực hiện chương trình SGK mới tối đa 2 năm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:40, 21/11/2017
>>Biên soạn sách giáo khoa riêng cho miền Bắc và miền Nam
>>34.000 tỉ đồng để biên soạn sách giáo khoa chỉ là... sai sót
>>Sách giáo khoa lỗi thời: Tăng tính tự chủ cho người thầy
>>Sách giáo khoa sẽ do hội đồng chuyên môn nhà trường tuyển chọn
>>Lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới
Kết quả, ĐBQH đã thống nhất thông qua Nghị quyết với 445 đại biểu tham gia (chiếm 90,63%) và 438 đại biểu tán thành (89,21%).
Trước khi Quốc hội biểu quyết bằng hình thức bấm nút, ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội - đã trình bày Dự thảo NQ điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình,SGK, giáo dục phổ thông sau khi đã tiếp thu và lấy phiếu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Theo đó, QH tán thành với việc điều chỉnh lộ trình áp dụng, thời hạn áp dụng chương trình theo hình thức cuốn chiếu, chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 với cấp tiểu học, từ 2021 - 2022 đối với cấp trung học cơ sở, 2022 - 2023 với cấp phổ thông. Như vậy, không quy định “cứng” việc lùi thời điểm áp dụng chương trình này trong thời hạn 1 năm mà có thể chậm nhất là 2 năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo xây dựng chương trình SGK mới bảo đảm không tăng kinh phí, bố trí đủ nguồn lực, điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ sở vật chất để triển khai áp dụng.
Trước đó, chiều 2.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, Nghị quyết số 88 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Lộ trình như sau: năm học 2018 - 2019: lớp 1, lớp 6 và lớp 10; năm học 2019 - 2020: lớp 2, lớp 7 và lớp 11; năm học 2020 - 2021: lớp 3, lớp 8 và lớp 12; năm học 2021 - 2022: lớp 4 và lớp 9; năm học 2022 - 2023: lớp 5.
Tại cuộc thảo luận về Dự thảo Nghị quyết được đưa ra vào ngày 2.11 này, nhiều ĐBQH đồng tình với việc lùi thời gian áp dụng 1 năm so với thời hạn ban đầu đưa ra.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị lùi lại 2 năm, tức bắt đầu thực hiện từ năm 2020 - 2021 với cấp tiểu học. Nguyên nhân đưa ra là trong thời gian qua, công việc đã bị chậm tiến độ, phần việc còn lại lớn nên nếu chỉ lùi 1 năm sẽ không đáp ứng được chất lượng đổi mới.
UB Thường vụ Quốc hội sau đó đã gửi phiếu lấy ý kiến của đại biểu, tuy nhiên, cả hai phương án đều đều không vượt quá 50%. Từ đó, UB Thường vụ Quốc hội đề xuất thời hạn bắt đầu chậm nhất là từ năm 2020 - 2021 với cấp tiểu học.
Nam Phong