Thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM là vì sự phát triển chung của cả nước
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:14, 20/11/2017
Cái áo đã quá chật
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM. Bởi vì đây là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước.
Theo vị này, cơ chế, chính sách hiện hành này đã không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm, không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Nếu không có sự thay đổi, TP.HCM sẽ luôn đối mặt với những bất cập, vướng mắc về khung pháp lý; quá tải về kết cấu hạ tầng đô thị… Do đó, có cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan và công bằng.
Theo đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), việc giải quyết cho TP.HCM chủ động về cơ chế, chính sách đặc thù sẽ không chỉ phát huy được động lực của lực lượng doanh nghiệp lớn nhất của cả nước đang tập trung ở địa phương này mà còn phát huy được tiềm năng, kinh tế tại đây.
"Mặt khác cũng là một điều kiện để thu hút lại sự phát triển và đầu tư và xuất khẩu. Như thời gian qua chúng ta đã thấy những khó khăn đã làm sụt giảm trong thu hút đầu tư cũng như xuất khẩu có giảm đi. Tôi nghĩ rằng nếu như tạo cơ chế thì việc này sẽ được dừng lại", ông Hoàng nói.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết có 8 triệu nhịp đập trái tim đang đợi chờ và dõi theo quyết định của Quốc hội. Chắc chắn giây phút được tán thành thông qua sẽ là một dấu mốc lịch sử cho sự phát triển của thành phố.
“Kết quả đó không phải chiến thắng của riêng thành phố mà đó chính là chiến thắng của tất cả chúng ta về sự sẻ chia, đồng cảm. Đó là chiến thắng của sự vượt lên trên tư duy cục bộ, bản ngã địa phương để hướng đến sự thống nhất trong tư duy phát triển, không chỉ riêng của thành phố mà trên hết đó chính là phát triển vì cả nước và cho cả nước”, ông Nhân nói.
Theo vị này, dù làm ra nhiều của cải, vật chất đóng góp hơn 21% GDP của cả nước, 28% tổng thu ngân sách nhưng tỷ lệ điều tiết để lại cho thành phố ngày càng ít đi và nay là thấp nhất trong cả nước.
“Nếu như thành phố làm ra 100 đồng thì phải điều tiết về Trung ương 82 đồng, 18 đồng giữ lại phải trang trải cho chi thường xuyên, đầu tư phát triển, trả nợ và nhiều khoản chi khác. Có thể nói con số khá ít ỏi này so với nhu cầu đầu tư giải quyết các tồn tại để tiếp tục giữ được vai trò là động lực của một đầu tàu kinh tế thì quả là một bài toán quá khó cho thành phố”, đại biểu Nhân cho hay.
Theo vị này, những tồn tại và thách thức mà thành phố đang phải đối mặt trong khi nguồn ngân sách thu không đủ chi và chi cho đầu tư phát triển phải phụ thuộc vào vay nợ của Chính phủ thì một cơ chế chính sách đặc thù là một đòi hỏi cấp bách không thể không có trong bối cảnh hiện nay.
Từ "sầm uất" thành "trầm uất"
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi Quốc hội thông qua nghị quyết này thì thành phố đứng trước một thử thách rất lớn và trách nhiệm rất nặng nề. Cả nước đã vì thành phố thì thành phố cũng phải thể hiện được sự tự trọng của mình, trách nhiệm của mình để hoàn thành và thực hiện thí điểm phải thành công, mang lại thể nghiệm, thí nghiệm và thực tiễn để đánh giá tác động về chính sách, về cơ chế, từ đó có cơ hội để chúng ta nhân rộng ra.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh: “Có đại biểu đã dùng khái niệm là "đã chín muồi" nhưng tôi cho rằng nó đã "chín mõm" rồi. Điều đó có nghĩa là không thể kéo dài được nữa”.
Ông Quốc cho rằng, từ một thành phố sầm uất, TP.HCM đang trở nên trầm uất vì tất cả các cơ chế ràng buộc nó. Các Chúa Nguyễn đã nhìn ra biển và nhìn về phương Nam, sớm biến Nam Bộ không những thành một vựa lúa mà thành một trung tâm để thu hút thương mại biển ở khu vực này. Khi người Pháp chiếm Sài Gòn năm 1859, việc đầu tiên của họ là phá thành Sài Gòn nhưng họ lại phát triển rất mạnh mẽ một Sài Gòn năng động về mặt kinh tế với thủy xưởng của nó.
“Năm 1861 đã có một bản quy hoạch thành phố đầu tiên với tầm nhìn 500 nghìn dân và trên thực tế sau này có điều chỉnh nhưng nó đã được duy trì đến tận năm 1939. Năm 1860, Cảng Sài Gòn đã được mở thành một cảng tự do và nó nhanh chóng trở thành một trung tâm của khu vực. Từ năm 1864, người Pháp đã phát biểu rằng "Sài Gòn không những có vị trí chiến lược về mặt chính trị, quân sự mà nó là kho hàng lớn nhất ở Viễn Đông", thời điểm đó Singapo chỉ là một xóm chài”, ông Quốc nói.
“Chúng ta biết rằng sau khi đất nước thống nhất, chúng ta đứng trước rất nhiều khó khăn, đứng trước không ít những nhận thức không đầy đủ đã kìm hãm Sài Gòn. Nhắc đến thời kỳ này là Sài Gòn phá rào, cố gắng bứt phá trong một cơ chế hết sức hạn chế, công cuộc đổi mới mở ra Sài Gòn phát triển. Nhưng chúng ta thấy đến thời điểm này vẫn nằm chung trong mặt bằng chung, ràng buộc bởi những cơ chế không khác những địa phương khác”, ông Quốc cho hay.
Vị này cũng cho rằng: “Chúng ta thường hay nhắc đến một nguyên lý cổ điển là "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Nguyên lý có giá trị về mặt đạo lý, về ứng xử xã hội, về phân chia. Lúc này chúng ta rất sợ thiếu và chỉ sợ cào bằng.
“Tôi rất tin không cần phải đến 5 năm, nếu chúng ta làm tốt những cơ chế sẽ được ứng dụng ở những nơi khác, sự hưởng lợi chung của cả nước. Tôi tin rằng thành công của TP.HCMsẽ mang lại sự giải thoát, sự bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước”, đại biểu này nhấn mạnh.
Hoài Phong