21 hồ thủy điện miền Trung-Tây Nguyên xả tràn sáng nay

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:15, 20/11/2017

Đến 6 giờ ngày 20.11, có 21 hồ chứa thủy điện thuộc quy trình liên hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang xả tràn.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, đến 6 giờ ngày 20.11, có 21 hồ chứa thủy điện thuộc quy trình liên hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang xả tràn.

Cụ thể, các hồ thủy điện đang xả gồm: A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn B, Ka Nak, An Khê, Krong H’năng, Sông Hinh, A Vương, Sông Tranh 2, Đak Mi 4a, Đakđrinh, Vĩnh Sơn 5, Buôn Kuốp, Srêpok 3, Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4.

Lưu lượng xả lớn nhất trong ngày 19.11 là 1.188m3/s của hồ Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam,hiện lưu lượng xả đã giảm.

Theo báo cáo ngày 19.11 của Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), khu vực Bắc Trung Bộ có tổng số 1.920 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 04 hồ chứa xung yếu. Các hồ của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đạt bình quân 80-90% dung tích thiết kế. Tỉnh Thừa Thiên Huế tất cả các hồ đã đầy nước,riêng hồ Tả Trạch đang điều tiết với lưu lượng 127m3/s để phát điện.

Khu vực Nam Trung Bộ có tổng số 501 hồ, trong đó có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Có 04 hồ chứa có cửa van đang xả tràn (Định Bình: 195 m3/s; Thuận Ninh: 42 m3/s (Bình Định); Đá Bàn: 70 m3/s (Khánh Hòa); Tân Giang: 15 m3/s (Ninh Thuận).

Các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).

Hiện, Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn tính toán kịch bản xả lũ các liên hồ chứa, trong đó đặc biệt bám sát diễn biến thực tế đối với các hồ chứa lưu vực sông Hương, Vu Gia -Thu Bồn và gửi kết quả đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam để tham khảo, chỉ đạo vận hành.

Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn tính toán kịch bản xả lũ các liên hồ chứa - Ảnh: Lê Đình Dũng

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang,thiệt hại do mưa, giông, lốc xoáy trong ngày 18.11 đã làm 5 nhà bị sập, 203 nhà tốc mái (TP.Hồ Chí Minh: 78 nhà; Tiền Giang: 8 nhà; Bình Dương: 108 nhà, An Giang: 09 nhà)...

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà ở, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Sáng nay20.11, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục chỉ đạo các tỉnh ven biển miền Trung thực hiện các hoạt động ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khi lạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa.

Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với lũ lớn sau bão.

Lê Đình Dũng

Lê Đình Dũng