Chuyên gia Israel: Khoa học công nghệ là đòn bẩy để đất nước phát triển

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:39, 15/11/2017

Israel đã xác định trong chiến lược phát triển của mình: KH-CN là đòn bẩy để đi lên. Với chiến lược đó, Israel đã thành công với nhiều công ty KH-CN, starup (khởi nghiệp)…
          

Theo thông tin từ Bộ KH-CN, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Israel về ươm tạo và thương mại hóa công nghệ” có sự góp mặt của chuyên gia hàng đầu ươm tạo doanh nghiệp KH-CN đến từ Israel - ông Mei Dardashti đến từ Vườn ươm Ideality Roads nổi tiếng.

Việt Nam nên có chính sách để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội

Ông Mei Dardashti chia sẻ: “Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về vườn ươm tạo doanh nghiệp và Chính phủ Israel xác định tham gia ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Đây là thời điểm rủi ro cao, doanh nghiệp dễ thất bại và rất khó để kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư”.

Việc đầu tư cho doanh nghiệp cũng được quốc gia này chia theo chiến thuật và có những mục tiêu rõ ràng. Giai đoạn đầu rủi ro cao, các doanh nghiệp không đổi mới công nghệ không thể kêu vốn từ tư nhân, lúc này cần có sự hỗ trợ của nhà nước. Thường thì giai đoạn này nhà nước hỗ trợ 85% kinh phí, 15% còn lại từ phía tư nhân. Thực tế cho thấy, sau một thời gian phát triển, mức đầu tư của tư nhân sẽ tăng 4-5 lần mức nhà nước bỏ ra. Và như vậy, đầu tư ban đầu chỉ mang tính mồi.

Từ chiến lược này, Israel hiện là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về số lượng các công ty niêm yết trên NASDAQ (chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc); xếp thứ 2 thế giới về đầu tư mạo hiểm quản lý quốc gia (chỉ đứng sau Mỹ về quy mô). Nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng để nhiều công ty toàn cầu đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Về phía Bộ KH-CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm đầu tư cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Vẫn biết kinh nghiệm là Chính phủ cần có mặt ở những nơi cần thiết, nhưng hiện nay Việt Nam đang trong giai đoạn đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp nên nhiều khi chính sách lại có mặt ở những nơi không cần thiết và vắng mặt ở những cần tới. Đây là điều mà Việt Nam cần được tư vấn nhiều hơn trong thời gian tới”.

Chuyên gia Israel cho rằng thực tế các công ty nước ngoài khi đầu tư không nhận được bất cứ chính sách ưu tiên nào cả. Việc ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp thực tế không phải chính sách tốt. “Để thu hút doanh nghiệp, hãy để họ nhìn thấy cơ hội tốt. Việt Nam nên có chính sách để nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội mà họ có thể đạt được. Cái cần làm là cho nhà đầu tư thấy chính sách, hệ sinh thái mà có thể được tham gia vào” – ông Meir nhấn mạnh. 

Phải có chiến lược về sở hữu trí tuệ

Trong buổi hội thảo, chuyên gia Israel cũng khẳng định nếu không có chiến lược về sở hữu trí tuệ thì chỉ có thể phát triển công ty địa phương và các công ty lớn có thể ăn cắp ý tưởng, đè bẹp sự phát triển của các công ty địa phương. Đặt vấn đề sở hữu trí tuệ ở mức cực quan trọng là một trong thành tố của chiến lược đi ra toàn cầu của Israel.

Theo vị chuyên gia, ở giai đoạn khởi đầu, công ty khởi nghiệp không có bất cứ một cái gì, chưa có sản phẩm bán ra thị trường, đội ngũ không đông đảo và không sở hữu cái gì ngoài quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nghiên cứu của họ. Đây là lý do duy nhất để các quỹ đầu tư cho các công ty này.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: "Bên cạnh những vấn đề nêu trên, việc tìm nguồn ý tưởng tốt đang đặt ra áp lực đối với Việt Nam, nhất là giới trẻ. Lâu nay, người ta thường quan niệm, ý tưởng tốt là ý tưởng khả thi về công nghệ và bị bỏ qua góc độ thương mại và thị trường. Đó là một khoảng cách lớn mà những người làm chính sách phải rất nỗ lực".

Thu Anh

   

Thu Anh