Anh cáo buộc Triều Tiên chủ mưu đợt tấn công mạng 'Chỉ có nước khóc'

Quốc tế - Ngày đăng : 16:48, 28/10/2017

Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace cáo buộc tin tặc ở CHDCND Triều Tiên gây ra đợt tấn công mạng WannaCry năm 2017 khiến một phần ba hệ thống máy tính của các trung tâm y tế nước này bị nhiễm mã độc 'Chỉ có nước khóc' này.

WannaCry (Chỉ có nước khóc)hay còn được gọi là WannaDecryptor 2.0 là một mã độc tống tiền lan truyền trên các máy tính dùng hệ điều hành Windows của Microsoft.

Vào tháng 5.2017, một đợt tấn công quy mô toàn cầu đã khiến hơn 230.000 máy tính ở 150 quốc gia bị nhiễm mã độc này.

WannaCry sau khi xâm nhập sẽ mã hóa các dữ liệu trong máy tính và đưa ra một thông điệp đòi tiền chuộc khoảng 300USD/ máy nếu chủ nhân máy muốn khôi phục lại dữ liệu. Đây được xem là cuộc tấn công mạng lớn nhất từ trước đến nay.

Theo điều tra mới được công bố của Văn phòng kiểm toán quốc gia Anh (NAO), đợt tấn công WannaCry đã ảnh hưởng 81 trong tổng số 236 trung tâm y tế nằm trong Hệ thống Y tế quốc gia Anh (NHS), khiến ít nhất 6.912 cuộc hẹn y tế bị hủy bỏ.

Báo cáo kết quả điều tra không cho biết thủ phạm thực hiện đợt tấn công này, nhưng Bộ trưởng Ben Wallace đã lên tiến khẳng định chính các tin tặc đã phát tán mã độc WannaCry.

Theo Bộ trưởng: “Triều Tiên là nước mà chúng tôi tin rằng có dính líu đến vụ tấn công này. Chúng tôi chắc rằng điều này là có thể. Tôi không thể tiết lộ quá chi tiết về thông tin tình báo, nhưng giới tình báo Anh cùng nhiều quốc gia khác tin rằng chính Triều Tiên là nước đảm nhận vai trò chủ mưu đợt tấn công mạng”.

Người đứng đầu NAO Amyas Morse cho rằng: “Vụ này (đợt tấn công WannaCry) là một cuộc tấn công không quá phức tạp và các trung tâm trong NHS đáng ra có tránh bị phát tán mã độc bằng cách tuân thủ nghiêm những hoạt động an ninh công nghệ thông tin cơ bản”.

Cũng theo ông Morse, sẽ vẫn còn nhiều vụ tấn công mạng phức tạp hơn vụ WannaCry, do đó Bộ An ninh và NHS phải hợp tác để đảm bảo các trung tâm y tế được bảo vệ khỏi các vụ tấn công trong tương lai.

Bảng thông báo máy đã bị nhiễm WannaCry kèm theo thông điệp đòi tiền chuộc qua Bitcoin - Ảnh: Financial Tribune

Sau vụ tấn công WannaCry, nhiều nhà nghiên cứu an ninh mạng của Anh và Mỹ đã nêu đích danh Triều Tiên là chủ mưu. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Wallace là cáo buộc chính thức đầu tiên được đưa ra, theo Washington Times.

Phía Triều Tiên vẫn chưa có bình luận về cáo buộc từ Anh. Trước đó Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim In Ryong khẳng định nước này không có dính líu đến vụ WannaCry, và cáo buộc của các quốc gia khác là “vô lý”.

Việc phát tán mã độc WannaCry được ngăn chặn bởi chuyên viên an ninh mạng 23 tuổi người Anh Marcus Hutchins. Anh đăng ký một tên miền ẩn bên trong mã của virus để theo dõi sự lây lan của WannaCry, nhờ đó đã làm chậm lại sự lây lan của loại vi rút này.

Cẩm Bình (theo Washington Times)

Cẩm Bình