Tăng học phí của các trường ĐH: Không thể thả lỏng kể cả với trường tự chủ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:23, 27/10/2017
Trả lời câu hỏi về vấn đề sắp tới các trường ĐH tự chủ sẽ điều chỉnh mức học phí để phù hợp hơn về vấn đề tài chính cũng như việc sẽ cung cấp, nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên của các trường. Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐTcho hay một số báo đưa về mức học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2020 - 2021 là căn cứ vào dự thảo lần 1 do Bộ GD-ĐT trình Chính phủ từ gần cuối năm 2016.
"Khi các báo đưa tin đã dựa trên dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập mà Bộ GD - ĐT đang xây dựng, trong khi đó hiện Bộ đã trình Chính phủ dự thảo lần 2. Trong dự thảo mới nhất, không có nội dung về khung học phí của các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt và Bộ GD-ĐT sẽ gửi tới các báo thông tin sớm nhất''.
Từ chối trả lời về việc dự thảo lần 2 không có nội dung về khung học phí có phải vẫn sử dụng khung học phí như với dự thảo lần 1 hay không, ông Khánh cho rằng việc các trường ĐH tự chủ phải tăng học phí chính là đáp ứng nhu cầu cũng như sự tăng trưởng cơ bản của các trường.
"Theo dự thảo lần 2 mà Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ thì giá dịch vụ giáo dục đại học của chương trình đào tạo đại trà theo phương thức chính quy và giáo dục thường xuyên do cơ sở giáo dục đại học tự quyết định theo quy định của pháp luật về giá. Cơ sở giáo dục đại học phải công khai mức thu học phí của từng năm học và dự kiến cho cả khóa học trước khi tuyển sinh. Ở dự thảo này, nội dung quy định mức khung học phí theo từng loại hình trường căn cứ theo mức độ tự chủ về tài chính đã không còn.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định Bộ GD-ĐT cần có những quy định để giám sát các trường ĐH ngoài công lập
Nếu Nghị định này được Chính phủ thông qua, 100% các trường đại học công lập được phê duyệt đề án tự chủ, mức học phí đại học cũng sẽ tăng lên. Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định rất rõ về mức trần học phí đại học từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 với cả trường chưa thực hiện tự chủ và đã được tự chủ toàn diện. Theo đó, mức học phí sẽ chênh lệch hơn so với các năm học trước." - ông Khánh khẳng định.
Trước đó, vào tháng 7, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, thông báo mức học phí dự kiến năm học 2017-2018 tăng lên gấp đôi từ tháng 1.2018. Mức học phí dành chung cho tất cả sinh viên (không kể vùng miền) ở các ngành đào tạo từ 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, học phí các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt cao nhất với 4,4 triệu đồng/tháng. Hai ngành này đào tạo 6 năm hệ chính quy.
Tháng 7.2016, nhiều sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân phản ánh về học phí năm học 2016-2017 của trường tăng gần 30% so với năm ngoái. Theo đó, mức học phí của các nhóm ngành 1-2-3 (nhóm ngành hot) lần lượt là 12 triệu/năm đến 14,5 triệu/năm và 17 triệu/năm. Trong khi đó, mức học phí của năm ngoái chỉ là 9,5 triệu/năm đến 11,5 triệu/năm và 13,5 triệu/năm.
Đối với các trường công lập, việc tăng học phí được thực hiện theo quyết định của Hội đồng Nhân dân thành phố dựa theo Nghị định số 86 của Thủ tướng Chính phủ. Mức tăng dựa trên thu nhập bình quân đầu người hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng…. Tuy nhiên, những quy định về mức học phí này hoàn toàn không được áp dụng với các trường ngoài công lập.
Đưa ra ý kiến của mình, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định Bộ GD-ĐT cần có những quy định để giám sát các trường ĐH ngoài công lập, không thể để cho các trường ngoài công lập tăng học phí một cách tự do.
“Học phí trường tư xưa nay do phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận. Nhưng đến khi mức học phí tăng quá đáng, khiến phụ huynh phản ứng dữ dội thì cần phải có vai trò quản lý của nhà nước. Mức học phí mà các trường đưa ra phải phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Các cơ quan quản lý cần phải xem xét nghiêm túc ý kiến phản ánh của phụ huynh. Các trường được tự do nhưng là tự do trong khuôn khổ. Mục đích cuối cùng của các cơ quan Nhà nước vẫn là bảo vệ quyền lợi của người dân”.
Ngoài ra, ông Nhĩ cho biết, như các trường ĐHhiện nay cũng đều được Bộ giao cho quyền tự chủ, tuy nhiên vẫn có khung học phí chung, mỗi năm không thu quá 20 triệu. Đối với các trường ở bậc phổ thông ngoài công lập cũng nên có khung như vậy, quy định phân mức chất lượng các trường, từ đó đưa ra trần học phí theo từng bậc.
“Không thể để các trường vin vào việc thỏa thuận mà hét mức học phí trên trời, đến nửa tỉmỗi kỳ như một trường tư ở Hà Nội là quá đáng. Hơn nữa việc tăng học phí cũng cần có lộ trình, biên độ rõ ràng để các phụ huynh chuẩn bị sẵn tinh thần, không thể thả lỏng việc tăng học phí đối với các trường mang danh: tự chủ”, ông Nhĩ nêu rõ.
Dạ Thảo