Cần 50.000 tỉ di dời nhà ven kênh rạch nhưng TP.HCM chỉ có 2.100 tỉ

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 06:00, 13/10/2017

Để thực hiện việc di dời nhà ven kênh rạch, nguồn vốn đầu tư cho chương trình này của TP.HCM chỉ có khoảng 2.100 tỉ đồng. Trong khi đó, theo dự kiến, để hoàn tất di dời nhà trên và ven kênh rạch cần tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng.

Cần 50.000 tỉ để di dời nhà ven kênh rạch

Theo ông Lê Trần Kiên - Trưởng phòng Phát triển đô thị thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 57 tuyến kênh rạch với khoảng 20.000 căn hộ cần phải di dời.

Việc tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố được chia làm ba nhóm. Cụ thể, nhóm thứ nhất là dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách với 6.697 căn với vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng.

Thứ hai là dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP với 8.084 căn, có vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 12.000 tỉ đồng. Thứ ba là dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị 331 căn.

Sở Xây dựng cho biết, chủ trương của thành phố là huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị và phấn đấu đến năm 2020 sẽ di dời được 20.000 căn nhà.

Trong số này, chỉnh trang đô thị bằng vốn ngân sách là 44 dự án, di dời hơn 10.000 căn nhà; 8 tuyến kênh rạch với gần 9.000 căn nhà theo hình thức đối tác công tư (PPP) và 5 tuyến kênh rạch với khoảng 900 căn nhà theo hình thức dự án đầu tư xây dựng nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này đang còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn ngân sách hạn chế. Từ khi ban hành chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị đến nay, TP.HCM mới triển khai di dời được 502 căn nhà trên và ven kênh rạch.

Sở Xây dựng nói rằng, để thực hiện việc di dời, nguồn vốn đầu tư cho chương trình này của thành phố chỉ có khoảng 2.100 tỉ đồng, trong khi theo dự kiến, để hoàn tất di dời nhà trên và ven kênh, rạch cần tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng.

Không những vậy, việc kêu gọi nguồn vốn từ doanh nghiệp cũng không khả thi bởi thành phố hiện không có nhiều quỹ đất công có giá trị lớn để bù đắp phần kinh phí thiếu hụt giữa giá trị quỹ đất và chi phí đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án… đối với một số dự án thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Ngoài ra, các dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh, rạch cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu nên không có nhiều nhà đầu tư đủ khả năng đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện.

Về quỹ nhà ở tái định cư, với quy mô di dời và tái định cư khoảng 20.000 hộ dân, quỹ nhà ở phục vụ công tác tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng của thành phố hiện nay là không đủ.

TP.HCM sẽ tìm mọi giải pháp để thực hiện

Ðể đẩy nhanh tiến độ, trước mắt, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng cân đối nguồn vốn ngân sách để thực hiện dứt điểm các dự án đang dở dang của giai đoạn trước; đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để UBND TP.HCM trình HÐND TP.HCM thông qua chủ trương thu hồi đất toàn bộ các dự án vào kỳ họp đầu năm 2018.

Trong năm 2018, Sở Xây dựng được giao phối hợp các quận huyện hoàn tất lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các công trình trọng điểm gồm: dự án di dời, giải phóng mặt bằng tuyến bờ nam kênh Ðôi; dự án rạch Xuyên Tâm và dự án rạch Văn Thánh. Cơ quan này cũng cần hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch 1/2.000 tại các khu vực dọc các tuyến kênh, rạch cần chỉnh trang…

Ngoài ra, thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho phép được áp dụng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện chỉnh trang đô thị trong trường hợp đặc biệt theo điều 26 luật Ðấu thầu.

Bởi lẽ, theo quy định hiện hành, tổng thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ít nhất là 647 ngày đối với trường hợp đấu thầu và 572 ngày đối với trường hợp chỉ định thầu, trong khi nhiệm vụ chỉnh trang đô thị đang rất cấp bách.

Do đó, nếu không thực hiện cơ chế đặc biệt thì thành phố sẽ không thể di dời hết 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch trong giai đoạn 2016 - 2020. Nếu áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 250 ngày làm thủ tục.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, việc di dời, chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố rất quan trọng nên TP.HCM phải tìm mọi giải pháp để thực hiện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng việc chỉnh trang đô thị giúp thành phố phát triển nhiều mặt.

Bên cạnh di dời nhà ở ven và trên kênh rạch để tổ chức lại cuộc sống cho dân tốt hơn thì còn thực hiện được mục tiêu chống ngập, giao thông, vệ sinh môi trường, du lịch… Quan trọng nhất đây là chương trình lớn nhằm chăm lo đời sống người dân sống ven kênh rạch cho nên cần kiên trì thực hiện.

Phan Diệu

Phan Diệu