Tướng Nguyễn Quốc Thước: ‘Vụ Yên Bái rõ như ban ngày sao không đưa ra kết luận’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:23, 12/10/2017
Sáng 12.10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri tại Hà Nội. Tại đây, cử tri Nguyễn Quốc Thước (Ba Đình)cho rằngHội nghị Ban chấp hành Trung ương vừa qua đã làm trong sạch bộ máy nhà nước, đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, một người hôm qua vừa được bầu mà thời gian ngắn bị tha hóa là đau xót.
“Người được Đảng tin hôm qua nhưng nay tha hóa là rất đau lòng. Nhưng điều đáng mừng là Đảng đấu tranh không khoan nhượng, dám đương đầu với sự tha hóa đó. Tuy nhiên, Trung ương quyết liệt nhưng địa phương chưa được. Vụ Yên Bái rõ như ban ngày nhưng bao ngày không ra được kết luận. Cả nước phải làm, hành động mới chuyển thành cuộc cách mạng được. Mong làm quyết liệt hơn nữa”, ông Thước nhấn mạnh.
Vị này cho rằngtrong vấn đề chống tiêu cực, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phải làm quyết liệt mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ như vụ tại Thanh Hóa, Yên Bái, địa phương không làm được, Trung ương phải vào cuộc.
“Thanh Hóa liên quan đến bí thư, Yên Bái liên quan đến bí thư và em trai nên cứ lùng bùng như vậy. Trong khi đó, Bí thư Đà Nẵng, Trung ương vào cuộc chỉ 2 tháng mà có kết luận ngay. Do đó phải chỉ đạo quyết liệt, không để tự giải quyết mà cấp trên phải vào cuộc”, ông Thước nói.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Tây Hồ) cho rằng, quyết định kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh là tiếng pháo mở ra dự báo cho tất cả những người được Đảng giao trọng trách, được nhân dân bầu ra. Mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đây là bài học để hoàn thiện mình, coi lợi ích của nhân dân làtrên hết.
Cử tri Trần Viết Hoàn nêu rằng, công tác “đánh” tham nhũng khiến nhân dân hoan nghênh. “Phải bắt những kẻ bòn rút của dân trả lại hàng nghìn tỉ đồng tham nhũng. Có như vậy đời sống của dân mới khá, mới có tiền trả nợ, đất nước mới phát triển, và cuộc chống tham nhũng mới đem lại hiệu quả”.
Cử tri này cũng cho rằng kỷ luật Đảng, kỷ cương phép nước không nghiêm. Đảng kêu gọi giảm đầu mối nhưng các bộ lại phình biên chế ra, tiêu tốn hàng trăm nghìn tỉ đồng mỗi năm; Luân chuyển cán bộ để tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ lại đưa đẩy đi cán bộ không hợp với mình, có vào mà không có ra; Bảo tìm người tài nhưng lại đưa người nhà vào; Bảo đóng cửa rừng nhưng vẫn phá; Cấm khai thác cát nhưng cát lòng sông vẫn ùn ùn bị hút lên; Bảo xử lý tòa nhà 8B Lê Trực nhưng đến nay vẫn trơ trơ; Kê khai tài sản không trung thực, thậm chí còn đưa vào danh mục tài liệu mật…
Vị này cũng nhấn mạnh rằng, Quốc hội ban hành luật nhưng phải đảm bảo sự công bằng trong thi hành luật. Trường hợp 2 cháu bé ăn cắp bánh mìvì đói bị bắt, xử lý đem ra tòa để chịu tội. Trong khi quan tham nhũng hàng nghìn tỉ đồng chỉ cảnh cáo, khiển trách.
“Đảng đã kết luận xác định vi phạm nghiêm trọng như Võ Kim Cự, Hồ Thị Kim Thoa nhưng lại về hưu hạ cánh an toàn, pháp luật không có vùng cấm, đâu phải vì phân biệt quan hay dân”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, cử tri Trương Đức Ngãi (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho rằng luật phải mang tính lâu dài, cứ mấy năm lại sửa trong khi đất nước đã hội nhập mà cứ sửa liên tục sẽ không đảm bảo tính ổn định. “Trong làm luật đừng để cho thông tư, nghị định chi phối. Làm sao luật đến với dân vì luật rất nhiều nhưng dân hiểu luật còn hạn chế”.
Các cử tri cũng cho rằng, Luật phòng, chống tham nhũng cần phải sửa đổi cho chặt chẽ, để người ta không cần tham nhũng và không dám tham nhũng.
Bên cạnh đó, cử tri cũng nhận thấy lĩnh vực ngân hàng vừa qua có nhiều rắc rối, mạch máu của đất nước đang còn nhiều bất cập. “Cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, rồi như Hãng phim truyện quốc gia như vừa qua là chết. Quốc hội phải giám sát chặt chẽ, cổ phần hóa phải thu hồi nhiều tiền để nhà nước đầu tư tiền vào các cái khác, thứ hai doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, và thứ ba là người lao động phải có cuộc sống khá hơn”, tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
Trả lời các kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ 8B Lê Trực, thành phố đã sát sao chỉ đạo và đã dỡ đến tầng 19. Tuy nhiên, quá trình tiếp tục phá dỡ cần sự thẩm định của các nhà chuyên môn. TP.Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và trong tháng 10 sẽ có kết luận. Việc cắt giật cấp sẽ không đảm bảo an toàn cho tòa nhà nên sẽ cắt bớt tầng theo chiều cao.
“Tôi cũng xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này”, ông Chung nói.
Hoài Phong