7 thương hiệu thời trang nổi bật theo xu hướng sinh thái Eco Fashion

Du lịch - Ngày đăng : 11:47, 10/10/2017

Khi ngành công nghiệp may mặc trở thành nguyên nhân ô nhiễm thứ 2 thế giới , các thương hiệu thời trang đã bắt đầu phát triển theo xu hướng eco fashion.

Trong những năm gần đây, khi fast fashion – thời trang nhanh đang dần chiếm lĩnh thị trường may mặc quốc tế, điều này gây nhiều hậu quả tiêu cực đến môi trường và chất lượng sống của con người. Đứng trước nguy cơ và mối hiểm họa lớn của nhân loại, đã có những nhà thiết kế và thương hiệu thời trang có hành động thiết thực để đối phó với tình trạng đó.Một số thương hiệu nổi tiếng đang dần thay đổi chiến thuật và nguyên tắc kinh doanh của mình. Có những thương hiệu lâu năm đang dần chuyển hướng sang một hình ảnh nhân văn hơn, thân thiện với môi trường, nhưng cũng có những thương hiệu mới vừa ra đời đã tìm khởi đầu với eco fashion – thời trang sinh thái. Điều đó cho thấy, eco fashion đang dần trở thành xu hướng thời trang và được hứa hẹn sẽ là cách thức nhằm giải quyết các vấn nạnliên quan đến môi trường và đạo đức con người trongngành công nghiệp phát triển này.

Eco fashion – thời trang sinh thái hay còn gọi là sustainable fahion – thời trang bền vững, với mục đích kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm để hạn chế những ảnh hưởng của con người đối với hệ sinh thái. Cũng có thể nói, đây là một xu hướng trái ngược với fast fashion – thời trang tiêu dùng nhanh.

Để hướng đến một chặng đường dài và bền vững trong ngành công nghiệp thời trang, các thương hiệu đã hướng đến một hình ảnh nhân văn hơn, thân thiện với môi trường. Sau đây là một số thương hiệu thời trang tiêu biểu là lá cờ tiên phongtheo xu hướng eco fashion.

Viktor & Rolf Couture

Couture thường được biết đến bởi những thiết kế được làm thủ công và tỉ mẩn ở Paris. Haute Couture được xem là những tác phẩm nghệ thuật độc nhất. Để vượt lên một tầm cao mới, Viktor & Rolf đã mang couture đến gần hơn với sự bền vững. Hai bộ sưu tập mới nhất của họ đã được hoàn thiện bằng việc tái sử dụng các loại vải cũ kỹ ở những khu chợ vải, được cho là “không thể dùng được”, để dựng lên những tác phẩm nghệ thuật thủ công mang tính siêu thực và đắt giá.

Những thiết kế couture của Viktor & Rolf trong 2 bộ sưu tập Thu và Xuân 2017 (Hình:imaxtree)

Một thương hiệu tầm cỡ Haute Couture cũng hướng theo xu hướng thời trang Eco Fashion, cho thấy thời trang bền vững là một hướng đi không của riêng ai. Đối với Viktor & Rolf, họ luôn có dành sự lưu tâm đặc biệtcho hệ sinh thái trong quá trình thiết kế.

Tribe Alive

Tribe Alive là một trong những hãng thời trang có khởi điểm tạo dựnglà một thương hiệu Eco Fashion. Điều đặc biệt của Tribe Alive chính là những sản phẩm được thiết kế bởi phụ nữ và được làm bởi phụ nữ trên toàn thế giới. Niềm đam mê đối với quần áo làm thủ công và trách nhiệm trong thương mại chính là nền tảng để thương hiệu tự tin giúp đỡ phụ nữ trên thế giới thoát khỏi đói nghèo.

Để làm được điều đó, Tribe Alive hợp tác với các nghệ nhân nữ ở Guatemala, Haiti, Ấn Độ, Honduras và Fort Worth và Texas để trao cơ hội việc làm cho các phụ nữ thoát nghèo với mức lương công bằng. Ngoài ra, Tribe Alive đảm bảo một môi trường làm việc an toàn, thu nhập thoả đáng và giúp cho phụ nữ có quyền quyết định tương lai của chính mình.

Thương hiệu bao gồm các sản phẩm quần áo, những chiếc túi xách thổ cẩm và cả những món trang sức đơn giản nhưng lại thanh nhã.

Fashion4freedom

Với sự khởi đầu bắt nguồn từ một thương hiệu bền vững, Fashion4freedom là một trong những thương hiệu Việt có trách nhiệm đối với xã hội. Khi chứng kiến các văn hóalành nghề ở Việt Nam đang dần bị mai một, nhà sáng lập Nguyễn Lan Vy đã bắt tay và nỗ lực phát triển một thương hiệu có thể giúp bảo tồn một phần nào những di sản của dân tộc, đồng thời có thể tiến ra khỏi thị trường Việt Nam bằng những sản phẩm thời trang.

Fashion4freedom nay được biết đến với những đôi giày đế chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ và công phu, được làm từ bàn tay của các làng nghề truyền thống. Thương hiệu đã góp phần tạo cơ hội việc làm cho người dân, để có thể giữ lửa và phát huy truyền thống của họ.

Các sản phẩm được làm bằng các nguyên liệu hữu cơ và tái chế, thiết kế còn mang đậm bản sắc dân tộc. Qua đó, Fashion4freedom đã trở thành một thương hiệu bền vững được nhiều người nước ngoài ưa chuộng.

Bộ sưu tập trang sức gần đây được ra đời từ những linh kiện điện tử của máy laptop bị vứt đi, đã được tái chế lại bằng kỹ thuật truyền thống lẫn hiện đại

Stella McCartney

Stella McCartney là một thương hiệu thời trang “sạch” không sử dụng các vật liệu được làm bằng động vật như lông thú, lông vũ hay da, Stella McCartney luôn nỗ lực tìm các giải pháp giải quyết các vấn đề mà thời trang đang ảnh hưởng đến môi trường.

Stella McCartney còn được nhiều nghệ sĩ yêu thời trang sinh thái chọn lựa, điển hình như Emma Watson (Hình: Instagram @the_press_tour)

Ngoài các sản phẩm được làm bằng vật liệu tái chế, gần đây thương hiệu vừa công bố sẽ thay thế các túi nhựa bằng eco plastic – nhựa hữu cơ, là một chất liệu có khả năng phân huỷ nhanh hơn và an toàn hơn với môi trường so với nhựa bình thường. Để ca ngợi phương pháp này, Stella McCartney hứa hẹn sẽ tung ra bst mùa hè 2018 vào tháng mười được làm hoàn toàn bằng chất liệu nhựa hữu cơ.

Nudie Jeans

Để trở thành một thương hiệu Eco Fashion, không chỉ tập trung vào chất liệu sản xuất, các hãng thời trang còn phải đảm bảo những yếu tố về môi trường và cả quyền con người trong tất cả các quá trình sản xuất.

Thương hiệu Nudie Jeans đã sử dụng 100% nguyên liệu từ bông hữu cơ và tiết kiệm đến 91% lượng nước sản xuất so với kỹ thuật thông thường. Nudie Jeans đề cao sự tái chế và bán những mẫu hàng second-hand. Ngoài ra, hãng còn chi trả thù lao xứng đáng cho nhân công. Các khâu kiểm tra đột xuất ở nhà máy sản xuất hay các nhà cung cấp để đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, đã trở thành một mô hình mẫu mực cho Eco Fashion. Thậm chí thương hiệu còn khiến người tiêu dùng an tâm qua các báo cáo được đăng công khai và minh bạch.

Một trong những chiến dịch của thương hiệu kêu gọi mọi người tái sử dụng chiếc quần jean của mình

Chinti & Parker

Cũng như các thương hiệu Eco Fashion khác, Chinti & Parker cũng luôn cân nhắc yếu tố sinh thái và đạo đức trong nhiều khâu khác nhau. Từ chất liệu vải, thương hiệu luôn đề cao những nguyên liệu tự nhiên như bông vải và tre. Trong khâu sản xuất, sản phẩm được làm từ những người lao động am hiểu về sợi vải, các nhà máy được kiểm tra an toàn ở Ấn Độ và Bồ Đào Nha. Số tiền lời được trích ra quyên góp cho một tổ chức ở Delhi để nâng cao đời sống của trẻ em cơ nhỡ. Ngoài ra, Chinti & Parker còn giúp khách hàng cân nhắc hơn về nguồn gốc của sản phẩm để đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

Kilomet 109

Là một thương hiệu Việt đi theo xu hướng Eco Fashion với những sản phẩm được làm từ thiên nhiên, Kilomet 109 còn được biết đến bởi khâu sản xuất khá truyền thống và gần gũi với dân tộc miền núi. Đó cũng chính là lý do các sản phẩm được ra đời tại vùng núi Cao Bằng nằm ở phía bắc Hà Nội, nơi đây được nhà thiết kế Vũ Thảo xem như là ngôi nhà sáng tạo của mình. Cùng với những phụ nữ dân tộc sống ở đó, thương hiệu nuôi trồng và sản xuất thuốc nhuộm tự nhiên cho dòng sản phẩm quần áo thân thiện với môi trường.

Quy trình nhuộm vải truyền thống của các dân tộc miền núi bằng những chất nhuộm từ thiên nhiên, điều đặc biệt để khiến cho các sản phẩm của Kilomet 109 trở nên thân thiện với môi trường. (Hình:VAWAA)
Theo Hào Trần/ Elle.VN

Elle