Trạm xăng 100% vốn Nhật Bản có cạnh tranh được về giá?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:45, 10/10/2017
Ngày 5.10, trạm xăng dầu Idemisu Q8 (IQ8) - trạm xăng dầu 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên được khai trương tại Việt Nam do sự liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản.
IQ8 đượctrang bị một hệ thống phần mềm quản lý trạm tự động chophép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năngưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Hệ thống phần mềm cho phép quản lý chính xác số lượng nhiên liệu đến 0,01 lít, cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng và nhiều ứng dụng công nghệ khác.
Sự xuất hiện của trạm xăng nhận được hoan nghênh và kỳ vọng lớn của người dân Việt Nam, hứa hẹn sự cạnh tranh mới trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ KH-ĐT) cho biết vấn đề ông quan tâm nhất là nguồn cung cho công ty này. Đó là được lấy từ trong nước (Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn) và nhập từ bên ngoài. Nguồn cung này là có thể cho phép và không nhất thiết phải thông qua các tổng công ty xăng dầu của nhà nước.
Vị này cũng cho rằng việc cấp phép cho công ty này là muốn tăng thêm nguồn lực để cạnh tranh với các công ty bán lẻ trong nước. Thế nhưng cũng không thể cạnh tranh về giá được mà chỉ có thể cạnh tranh về công nghệ, văn hóa kinh doanh… Còn vấn đề giá là điều quan trọng nhất phải phụ thuộc vào nhà nước.
“Việc Công ty Idemitsu là cổ đông sở hữu 35,1%vốn tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn nên mở hệ thống bán lẻ, ông Lưu Bích Hồcho là hợp lý, bởi vì “không dễ dàng một công ty khác không dính dáng gì đến sản xuất xăng dầu ở Việt Nam lại có thể dễ dàng vào được”.
Chuyên gia này cũng nêu quan điểm, có thể thấy trong hệ thống của chúng ta vẫn tồn tại nhiều thứ. Vì thế, nếu Idemitsu cung ứng được cho thị trường nhiều thuận lợi, có văn hóa, minh bạch hơn thì rất tốt cho người tiêu dùng.
“Thêm vào đó, việc mở cửa, hội nhập vẫn trong lộ trình nên chúng ta phải cho phép nó vào thôi. Bởi đây không phải là ngành phải độc quyền, kể cả độc quyền bán lẻ. Nó khác với phân phối điện nước, bởi vì xăng dầu là sản phẩm đong đếm được và tiêu thụ trực tiếp. Do đó, về chung mà nói thì có lợi”, vị chuyên giacho biết thêm.
Trao đổi về tiềm lực của các tổng công ty xăng dầu nhà nước, ông Lưu Bích Hồcho rằnghệ thống bán lẻ xăng dầu của chúng ta thừa sức đáp ứng đủ năng suất và công suất. Sự xuất hiện của công ty bán lẻ xăng dầu 100% vốn ngoại đặt ra bài toán doanh nghiệp nhà nước cần làm tốt và cạnh tranh tốt hơn.
“Nếu có thể được cả về giá cả thì tốt nhưng chắc chắn vẫn phải theo quy định chung. Còn các mặt khác thì họ sẽ phải làm tốt hơn chúng ta vì ta đưa vào có lợi cho cả tiêu dùng và cả cạnh tranh”, ông Hồ nói và khẳng địnhviệc mở cửa cho Idemitsu Kosan không làm giá xăng biến động.
“Hiện nay, thị phần của công ty còn rất ít so với doanh nghiệp nhà nước. Việc cho phép công ty nước ngoài mở bao nhiêu trạm xăng phải phụ thuộc vào Bộ Công thương và Bộ Tài chính”, ông Lưu Bích Hồnhấn mạnh. “Cạnh tranh là tốt, nhưng phải đảm bảo lành mạnh. Lâu nay, ngành bán lẻ xăng dầu của ta cũng lắm chuyện, ngoài giá cả vẫn còn tồn tại vấn đề gian lận, không minh bạch…”.
Về việc quản lýcác trạm xăng có vốn đầu tư nước ngoài, ông Hồ đề xuất các thành phố, các tỉnh khi cho phép mở phải có tính toán hợp lý. Trong đó, Bộ Công thương giữ vai trò chỉ đạo, giá cả thuộc quản lýcủa Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp nước ngoài không thể tùy tiện chi phối giá xăng dầu.
“Hiện nay thị trường xăng dầu vẫn là sản phẩm chiến lược mà chúng ta phải nắm chắc điều hành giá cả. Mặc dù theo kinh tế thị trường, kinh doanh càng ngày càng nở ra nhưng vẫn phải quản lýchặt chẽ, để không làm biến động thị trường. Khi giá xăng dầu biến động lớn trên thế giới, lúc lên lúc xuống thì ở trong nước chưa đủ nguồn cung cần thiết thì điều đó vẫn trong quá trình làm từng bước chứ không thể đòi hỏi thị trường hóa ngay được”, ông Lưu Bích Hồkhẳng định.
Vị chuyên gia nàycũng đánh giá cao việc công khai, minh bạch trong các doanh nghiệp: “Ở vị trí một người dân, tôi cũng ủng hộ. Tôi không sợ doanh nghiệp nhà nước sẽ gặp khó khăn vì các trạm xăng nước ngoài chưa vào được nhiều. Và nếu nó làm tốt thì chúng ta phải làm tốt hơn để cạnh tranh lại với họ”.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex cho biếttập đoàn đã chuẩn bị cho việc cạnh tranh này từ hàng chục năm trước. “Chúng tôi sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch trên thị trường trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu”.
Ngoài ra, ông Dũng còn cho rằng Petrolimex tự tin bởi với việc phát triển hệ thống phân phối bán lẻ xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu thì nguồn vốn không phải là yếu tố tiên quyết.
“Hiện nay trên thế giới có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng để phát triển được mạng lưới phân phối như thế này thì tiền không phải là yếu tố đầu tiên mà cần có thời gian, vị trí, cơ hội”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, với sự tham gia của Idemitsu Kosan, tới đây họ sẽ phát triển mạng lưới phân phối, đó là tín hiệu tốt, trước hết là cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn.
Trịnh Giang