40 người âm mưu ám sát Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Quốc tế - Ngày đăng : 16:46, 05/10/2017

Một cấp tòa Thổ Nhĩ Kỳ tuyên án tù chung thân đối với 40 người âm mưu ám sát Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc đảo chính quân sự bất thành khuya 15 rạng sáng 16.7.2016.
          

Có 47 bị cáo (gồm 2 người chưa bị bắt) phải hầu tòa ở Mugla, gần nơi mà trực thăng và binh lính xông vào một khách sạn nơi ông Erdogan nghỉ phép hồi tháng 7, chỉ vài phút sau khi lãnh đạo này rời đi.

Các bị cáo gồm Ali Yazici, cựu trợ lý quân sự của ông Erdogan cùng nhiều sĩ quan cấp cao khác bị buộc tội phục kích ám sát tổng thống. Yazici bị kết án 18 năm tù.

Các bị cáo nói rằng họ không được đối xử tử tế và “chỉ là đám cỏ bị bầy voi dẫm đạp lên”, theo tường thuật từ bên trong trụ sở tòa án của hãng tin Reuters ngày 4.10.

Chánh án Emirsah Bastog tuyên án tù chung thân đối với 40 người và vài người khó thể được ân xá: “Các bị cáo có tội âm mưu ám sát tổng thống”.

Phiên tòa ở Mugla được mở từ tháng 2, là một trong những vụ xét xử khắp Thổ Nhĩ Kỳ liên quan vụ đảo chính bất thành.

Vào tháng 7 năm ngoái, trực thăng và chiến đấu cơ chiếm không phận Ankara và Istanbul, xe tăng tràn vào các thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Vụ đảo chính bị lực lượng trung thành với ông Erdogan đẩy lùi, nhưng đã khiến 250 người chết và hơn 2.000 người bị thương.

Khi vụ đảo chính xảy ra, ông Erdogan đang đi nghỉ ở thành phố nghỉ dưỡng Marmaris. Ông đã thoát khỏi khách sạn trước khi quân lính đảo chính xông vào. Tiếp đó, ông dùng ứng dụng điện thoại di động Face Time để kêu gọi dân thường xuống đường bảo vệ nền dân chủ.

Chính phủ Erdogan quy trách nhiệm vụ đảo chính cho giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ và đòi Mỹ dẫn độ ông này.

Tiếp sau vụ đảo chính, hàng chục ngàn người bị bỏ tù, bị đuổi việc khỏi các ngành tư pháp, quân đội, cảnh sát, báo chí trong cuộc trừng phạt cả người tham gia đảo chính lẫn các nhà chống đối. Tuần này, cuộc trừng phạt tiếp tục đối với những người âm mưu đảo chính.

Vụ trừng phạt ồ ạt khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị phân hóa sau một thời gian ngắn đoàn kết sau vụ đảo chính bất thành. Lúc đó, tất cả các đảng chính trị đều lên án, phản đối vụ đảo chính. Nay, phe đối lập nói Tổng thống Erdogan mượn vụ đảo chính để củng cố quyền lực, trừng phạt người chống đối và giới truyền thông đối lập.

Đầu năm 2017, một cuộc trưng cầu dân ý đã mở rộng quyền cho Tổng thống, mở màn cho cuộc bầu cử địa phương và bầu cử tổng thống vào năm 2019.

Trung Trực (theo Reuters)

   

Trần Trí