Các nước Đông Bắc Á mong đợi gì từ chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump?
Quốc tế - Ngày đăng : 05:44, 05/10/2017
TTXVN tại Washington dẫn thông báo chính thức của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines trong các ngày từ 3-14.11 tới.
Nhà Trắng cho biết cùng với việc kêu gọi lãnh đạo các nước trong khu vực hỗ trợ kiềm chế Triều Tiên, thương mại sẽ là lĩnh vực được ưu tiên bàn bạc trong chuyến công du.
Còn SCMP dẫn lời chuyên gia Lưu Vệ Đông của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết chính quyền Bắc Kinh hy vọng Washington thông qua chuyến thăm này sẽ thể hiện rõ quan điểm về vai trò của Trung Quốc trong chiến lược châu Á của Mỹ.
Theo chuyên gia Lưu: “Khi Mỹ làm rõ quan điểm về Trung Quốc, hai nước sẽ biết hướng hợp tác sắp tới rõ ràng hơn”.
Ngoài ra cũng theo ông Lưu, Bắc Kinh cũng mong Tổng thống Trump sẽ tiếp tục ủng hộ nguyên tắc “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi” mà nước này đề ra.
SCMP cho biết chuyến công du châu Á diễn ra trong bối cảnh chính sách đối ngoại Mỹ có vẻ bất ổn kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông đã làm dấy lên lo ngại rằng liệu Mỹ có còn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực hay không. Lo ngại này đặc biệt mạnh mẽ ở hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc vốn xem Mỹ là nước đối trọng với Trung Quốc.
Nói về kì vọng của Nhật Bản với chuyến thăm tháng 11, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple (Nhật Bản) Jeffrey Kingston cho biết: “Chính quyền Tokyo đã sẵn sàng cho các nước ở khu vực thấy rằng Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Trump luôn cam kết hợp tác chặt chẽ để kiềm chếTriều Tiên và gửi thông điệp đến Trung Quốc”.
Theo chuyên gia Lee Jung-nam thuộc Viện Nghiên cứu châu Á (Đại học Hàn Quốc) trong chuyến thăm của ông Trump, Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ đạt được thỏa thuận về giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thỏa thuận này sẽ giúp củng cố quan hệ Mỹ- Hàn.
Không giống như người tiền nhiệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không nhấn mạnh đến liên minh với Mỹ mà kêu gọi đối thoại với Triều Tiên, điều phù hợp với lập trương giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên của Trung Quốc.
Tuy nhiên quan hệ giữa Seoul với Bắc Kinh đã xấu đi, từ khi Hàn Quốc cho phép Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được triển khai trên lãnh thổ nước này, SCMP cho biết.
Chuyên gia Lee nhận định: “Mặc dù ông Trump đề cao “nước Mỹ trên hết” nhưng họ sẽ không rời bỏ châu Á. Mỹ hiện thông qua các đồng minh ở đây để kiềm chế Trung Quốc. Đây là điều không bao giờ thay đổi”.
SCMP dẫn lời giới quan sát Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh không lo lắng khi Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á.
Chuyên gia Lưu nhận định: “Với tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chuyến công du của ông Trump hay bất cứ biện pháp trấn an an ninh nào đối với Trung Quốc cũng là cách làm giảm căng thẳng chứ không phải là mối đe dọa, vì đối tượng mà liên minh ở châu Á của Mỹ tập trung đối phólà Triều Tiên chứ không phải Trung Quốc”.
Ông Ngô Tâm Bá, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) nóiTổng thống Trump sẽ tập trung vào Đông Bắc Á hơn là Triều Tiên. Tuy nhiên ông cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc để ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Cẩm Bình (theo SCMP)