Nga buộc tội Tây Âu để Hitler chiếm châu Âu
Quốc tế - Ngày đăng : 12:15, 04/10/2017
Đó là Hiệp ước Munich ký ngày 30.9.1938, có chữ ký của trùm phát xít Đức Adolf Hitler cùng của đồng minh phe Trục Benito Mussolini (lãnh đạo Cộng hòa xã hội Ý) và của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain và Thủ tướng Pháp Edouard Daladier.
Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Hiệp ước này đã mở đường cho Hitler vươn lên quyền lực, tiếp sau đó là bùng nổ Thế chiến 2, cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử thế kỷ 20.
Hiệp ước này cũng mở đường cho phát xít Hitler chiếm châu Âu, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga vốn cho rằng nó được thiết kế để tránh một cuộc chiến tranh mà cuối cùng vẫn không thể tránh được.
Hãng thông tấn TASS đăng tuyên bố gọi cuộc thỏa thuận trên là “Cú phản bội ở Munich”, nêu ngày 30.9.1938 là ‘ngày đen tối nhất của lịch sử thế giới. Lãnh đạo các nước Tây Âu hàng đầu từ chối kết hợp với Liên Xô chống chủ nghĩa phát xít, thay vào đó chọn sự khuyên giải kẻ hung hăng trong hy vọng tránh được chiến tranh với chúng và đẩy cỗ máy chiến tranh Đức sang phía đông”.
Liên Xô lúc đó dưới thời lãnh tụ Josif Stalin, phản đối các điều khoản trong Hiệp ước Munich, đề nghị sẽ giúp Tiệp Khắc tránh bị Đức chiếm, nhưng với điều kiện Ba Lan và Romania cho phép quân Liên Xô vào lãnh thổ của họ.
Hai nước này không chấp nhận điều kiện đó, và quân Đức chiếm Sudetes, một khu vực chiến lược của Tiệp Khắc ngày 15.3.1939, rồi nhanh chóng chiếm nước này trong tháng 3 năm đó.
Theo Newsweek, trước những tham vọng của Hitler, Stalin phải tìm một thỏa thuận không đánh nhau giữa Liên Xô với Đức Quốc xã, có tên Thỏa thuận Molotov–Ribbentrop ký hồi tháng 9.1939. Đấy là tên họ của hai Ngoại trưởng Liên Xô và Đức.
Nội dung của Thỏa thuận này dẫn đến việc chia Ba Lan cho Đức Quốc xã và Liên Xô, và Nga-Đức hứa giữ hòa bình.
Hồi năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng bảo vệ thỏa thuận này:
“Những nghiên cứu nghiêm túc cho thấy khi đó là cách làm chính sách ngoại giao. Liên Xô đã ký một thỏa thuận không đánh nhau với Đức.
Thực tế là Thỏa thuận Molotov-Ribbentrop mau chóng đổ vỡ, Đức Quốc Xã ngang nhiên xé bỏ, bất ngờ tung chiến dịch đánh thần tốc Barbarossa hồi tháng 6.1941.
Vài tháng sau, quân phiệt Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii, khiến Mỹ phải nhào vào Thế chiến 2 hồi cuối năm 1941, tung hàng triệu quân Mỹ đến Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Phi. Mỹ đều giành chiến thắng ở mỗi mặt trận này.
Liên Xô chịu nhiều thương vong nhất trong Thế chiến 2, so với số tổng thương vong của các nước cộng lại. Nhưng Hồng quân đã kiên cường đánh thắng quân xâm lược Quốc Xã, rồi xông đến tận sào huyệt của Hitler ở Berlin, đập tan chính quyền Hitler.
Nhưng chủ nghĩa phát xít của Hitler vẫn tồn tại. Hôm 30.9.2017, phe phát xít và tân phát xít đánh nhau ở Gotenburg (Thụy Điển) trong một cuộc tập kết của phe cực hữu vào dịp lễ Yom Kippur của người Do Thái.
Vụ ẩu đả này làm nhớ lại cái chết đau thương của 6 triệu người Do Thái trong Lò Hơi Ngạt ở các trại tập trung của phát xít Đức.
Lãnh đạo Nga-Mỹ, hai kình địch địa-chính trị từ sau Thế chiến 2, đều đã cảnh báo những trào lưu cực hữu ở châu Âu, và cáo buộc lẫn nhau đã sử dụng những chiến thuật của kẻ thù chung cũ.
Vĩnh Thụy (theo Newsweek)