Đêm trung thu trở thành lễ hội đường phố ở một vùng quê
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:58, 04/10/2017
“Rước đèn ông sao” – là một nghi thức rất độc đáo và không thể thiếu được trong đêm ngày 13.8 (âm lịch) của cái Tết Trung thu đối với người dân xã Đông Hoàng. Điều này như một “góc quê” mà người dân địa phương ở đây còn lưu giữ được mang đặc thù của không khírằm Trung thu ở nông thôn. Hầu hết gia đình nào ở đây cũng làm đèn ông sao cho con cháu trong nhà mỗi dịp Tết Trung thu.
Cứ vào tối 13.8 (trước đêm rằm Trung thu 2 ngày)theo số thứ tự đã bốc thăm, các thôn cho các em thiếu nhi cầm đèn ông sao thắp sáng bắt đầu diễu hành về sân vận động trung tâm. Sau nghi thức khai mạc “đêm hội rước đèn” các chi đội lại bắt đầu nối đuôi nhau xếp thành hai hàng tỏa về các ngả đường quanh làng. Mỗi chi đội đều phải đăng kí sẵn với ban tổ chức về số lượng đèn tham gia rước để chấm điểm thi đua. Để đảm công bằng trong việc chấm điểm, ban tổ chức của xã lại cắt cử ra những nhóm “gác trạm” trên các trục đường để đếm, kiểm tra xem số đèn ấy về đến đâu còn sáng hay tắt…
“Góc quê” trung thu đặc trưng ở xã Đông Hoàng
Nhằm tạo cho làng quê trên khắp các ngả đường đều sống động không khí lễ hội, ban tổ chức đã lên sẵn một sơ đồ chi tiết cụ thể. Ngoài ra, để khỏi cho các đội gặp nhau trùng lặp trên một tuyến đường, ban tổ chức đều cử người dẫn đường và đi theo số thứ tự cùng hiệu lệnh. Bắt đầu đoàn diễu hành là đoàn rước kiệu của mỗi thôn là đội trống ếch, kỳ lân sư tử...nối tiếp là hàng trăm đèn sao lung linh đa dạng sắc màu, hình thức khác nhau.
Cổ vũ đi song hành với các em thiếu nhi là những ánh đèn đủ kiểu dáng, màu sắc, ánh sáng của người dân đủ mọi lứa tuổi. Bởi vậy, khiến cho các ngả đường của xã dưới ánh trăng thu mỗi khi vào “đêm hội rước đèn” đều lung linh huyền ảo đầy thơ mộng. Ông Phí Văn Khổng, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho hay, toàn xã có 5 thôn nên số lượng các chi đội cùng người dân tham gia diễu hành rất đông. Vì thế, để đảm bảo an ninh cho đêm rước đèn, xã phải huy động hết lực an ninh, dân quân, đội tự quản và xin cả lực lượng nghiệp vụ công an của huyện xuống tham gia. Đội ngũ y tế xã cũng phải túc trực 24 giờtrong những ngày diễn ra Tết Trung thu.
Nhiều mô hình được tạo ra từ tình yêu quê hương đất nước
Những chiếc đèn ông sao ở đây đều được người dân làm thủ công bằng chất liệu có sẵn ở nông thôn: tre, nứa, dán giấy... Ông Tô Hữu Điện, Bí thư chi bộ thôn Thanh Long cho biết, trước đây làm những chiếc đèn này khá cẩn thận. Đèn thắp sáng của ông sao được dùng bằng dầu đựng trong lọ mực cửu long rồi tạo bấc, buộc chặt vào thanh đỡ bên trong, bốn xung quanh cạnh đều dán giấy kín chỉ để hở một cạnh. Còn bây giờ đã có Pin, bóng neon, led… nên công việc này đỡ vất vả đi rất nhiều và ánh sáng đem lại cũng rực rỡ phong phú.
Là hoạt động truyền thống, ý nghĩa, khơi gợi tuổi thơ nên ngay từ trước Trung thu hàng tháng, các thôn đã tổ chức dạy các em thiếu nhi tự làm. Cũng chính vì lẽ này mà các cửa hàng kinh doanh bán đèn ông sao ở đây hầu như rơi vào tình trạng ế ẩm.
Hình ảnh “đêm hội rước đèn” ở đây trở thành một ấn tượng đẹp đẽ không thể phai nhòa trong tâm trí của những con em người xã Đông Hoàng. Tại địa phương này đã có riêng một bài hát mang nội dung về “đêm hội rước đèn ông sao” được rất nhiều người dân ở đây ưa thích. Mỗi dịp Tết Trung thu đến là các thôn xóm lại vang lên ca khúc này.
Đại úy, bác sĩ quân y Lê Hùng Mạnh đang công tác ở Hải Dương thổ lộ: “Hình ảnh cầm chiếc đèn ông sao sáng hồng trên tay đi vòng quanh những cánh đồng làng thơm nức mùi lúa nếp không thể nào phai nhạt trong kí ức tôi. Mỗi khi bị áp lực công việc, hay trong những lúc cuộc đời gặp gian khó, hình ảnh ngôi sao vàng ấy, vùng quê trìu mến ấy lại như một động lực thúc đẩy tôi cố gắng và tôi càng nghĩ mình phải làm nhiều điều gì đó vì quê hương…”.
Tết Trung thu năm nay, với chủ đề “biển đảo quê hương, thế giới hòa bình, tiếp lửa truyền thống” ngoài những chiếc đèn ông sao ra các chi đội còn sáng tạo nhiều mô hình bám sát chủ đề như: tàu thuyền đánh cá, tên lửa, máy bay, quả cầu… Điều này khiến cho những ánh sáng từ các mô hình tạo ra lại càng làm cho không khí rước đèn thêm náo nhiệt và chứa đựng ý nghĩa mang tính giáo dục cao.
Chị Lê Thị Hường, giáo viên tiểu học bày tỏ:“Mỗi lần đứng trên mục giảng vào những ngày áp Tết Trung thu tôi lại xúc động và thường tìm cách lồng ghép những chi tiết về nép đẹp quê hương. Mục đích để kích thích trí tưởng tượng mơ ước của các em, đồng thời giúp các em hiểu về những giá trị truyền thống cha anh để lại…”.
Được biết, số lượng đèn tham gia chấm điểm trong đêm hội năm nay khoảng hơn 1.200 chiếc. Còn số lượng đi theo đoàn diễu hành tăng gấp đôi, ba lần. Để hoạt động cổ truyền này thực hiện được tốt ngay từ đầu tháng 8, chính quyền địa phương ngoài việc phân công trách nhiệm từng việc, các cán bộ xã luôn bám sát cơ sở để đôn đốc, định hướng, khích lệ người dân trong việc chăm lo Tết Trung thu cho các em thiếu nhi.
Theo khảo sát của Hội đồng đội tỉnh đoàn Thái Bình và đông đảo các tầng lớp nhân dân thì “đêm hội rước đèn” đặc sắc này chỉ còn được duy trì được ở xã Đông Hoàng trên đại bàn “quê lúa”. Chính vì thế, mà “đêm hội rước đèn” luôn thu hút đông đảo người dân trong khu vực tới xem. Đặc biệt là đối với con em địa phương sinh sống xa quê thì điều này lại gợi nhớ đến nao lòng mỗi khi vẳng nghe tiếng trống ếch rộn rã bên tai…
Hình ảnh những chiếc đèn ông sao nối nhau dài vô tận uốn quanh những mảnh vườn trái bưởi, trái hồng sai trĩu quả, phảng phất hương thơm từ những cánh đồng lúa mát rượi dưới ánh trăng đêm rằm hiền hòa êm dịu. Đoàn rước đi đến đâu, những lời ca tiếng nhạc trẻ thơ chộn rộn thân thương vang lên đến đócàng tạo cho bức tranh nông thôn dưới tiết trời thu được các em thiếu nhi xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, Thái Bình tô điểm thật lung linh huyền ảo chứa đựng biết bao mơ ước tươi đẹp của tuổi thơ…
Tiến Chính - Hà Dung