Đảng cực hữu Đức đòi ‘xô bà Merkel khỏi ngai vàng’
Quốc tế - Ngày đăng : 07:12, 24/09/2017
Nếu đảng của bà Merkel tái trúng cử, bà sẽ là người giữ chức Thủ tướng suốt 16 năm, tính cho đến kỳ bầu cử kế tiếp năm 2021, ngang bằng 4 nhiệm kỳ của 2 tổng thống Mỹ.
Nhưng tại cuộc họp báo cuối cùng đầu tuần này, hai ứng viên đòi “xô bà Merkel khỏi ngai vàng” của AfD nhấn mạnh sẽ tiếp tục đòi truy tố bà Merkel “vi phạm pháp luật”, về chính sách mở cửa đón 1 triệu dân tị nạn của bà hồi năm 2015.
Hai ứng viên là ông Alexander Gauland, 76 tuổi, theo chủ nghĩa dân tộc. Ông phủ nhận đảng ông là tổ chức phát xít, nhưng khẳng định nước Đức phải của người Đức, không có chỗ cho đạo Hồi và số dân nhập cư sẽ làm cuộc sống của dân Đức tồi tệ hơn.
Người thứ 2 là bà Alice Weidel, 38 tuổi. Năm 2013, bà Weidel viết e-mail gởi báo chí Đức, mô tả các quan chức chính phủ Đức là “lũ lợn, là bù nhìn của những thế lực chiến thắng Thế chiến 2”. Ban đầu, luật sư của Weidel phủ nhận, nhưng rồi không tiếp tục tuyên bố đó là thư điện tử giả của bà viết.
AfD đã có những tai tiếng, như Gauland kêu gọi dân Đức hãy thôi cắn rứt về những tội ác của phát xít Đức thời Thế chiến 2, xâm chiếm các nước châu Âu và sát hại 6 triệu người Do Thái.
Ông nói dân Đức có quyền tự hào về những quân nhân Đức đã tham gia Thế chiến 1 và 2, và đây là một tuyên bố hoàn toàn đi ngược tinh thần của giới chính trị Đức: không bao giờ đề cập vai trò của Đức trong hai cuộc chiến tranh thế giới này.
Tờ Guardian (Anh) ghi nhận khả năng lần đầu tiên AfD tham gia sinh hoạt Quốc hội liên bang Đức sau gần 60 năm. Hai thăm dò ngày 22.9 cho thấy AfD đứng hạng ba với tỉ lệ ủng hộ 11% và 13%, sau đảng bảo thủ Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và đảng trung tả Xã hội dân chủ (SPD) còn đảng Tả (Die Linke) tụt xuống hạng tư.
Theo thăm dò của hai viện INSA và Enmid, liên minh cầm quyền CDU với Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria (CSU) đạt các tỉ lệ ủng hộ 34 và và 36%, SPD đạt 21 và 22%. Die Linke chỉ đạt từ 10-11% còn đảng Dân chủ tự do (FDP) đạt 9% và đảng Xanh chỉ đạt 8%.
Kết quả này có thể mở đường cho sự tiếp diễn một liên minh lớn, giữa CDU/CSU của Thủ tướng Merkel với SPD, hoặc cũng có thể giữa CDU với FDP và đảng Xanh, điều chưa hề có trong lịch sử bầu cử Đức.
Nếu kết quả thăm dò chính xác, AfD hy vọng có được từ 60-85 ghế trong Quốc hội Đức, và sẽ trở thành đảng đối lập lớn nhất, nếu CDU/SPD đồng ý tiếp tục liên minh.
Kịch bản này giúp AfD được giữ chức chủ tịch ủy ban ngân sách. Georg Pazderski, một thành viên AfD đã báo trước rằng đảng sẽ có ý kiến mạnh về các khoản chi cho cuộc khủng hoảng nhập cư và những rắc rối trong khối sử dụng chung đồng euro (eurozone).
AfD cũng sẽ có người ở nhiều ủy ban về nhiều lĩnh vực, được tham gia nghị viện châu Âu, và các nghị sĩ của đảng này còn được dự các cuộc họp quan trọng của các tổ chức quốc tế như NATO, LHQ.
Vì thế, lãnh đạo AfD đã kêu gọi các thành viên theo dõi kỹ tiến trình bầu cử, vì đảng này nghi ngờ sẽ có sự tác động đến kết quả lá phiếu dành cho họ, vào lúc các đảng đã lập từ lâu đánh giá AfD là một thế lực cực hữu.
AfD được các chuyên viên ngân hàng và nhà kinh tế học lập hồi tháng 4.2013, nhằm phản đối việc khối eurozone bảo lãnh cho Hy Lạp thoát nợ công.
Năm 2015, ngỡ như AfD hết thời, nhưng cùng năm, quyết định đưa 1 triệu người tị nạn vào Đức của bà Merkel (sau đó xuất hiện nhiều vụ khủng bố) đã làm đảng này “sống lại”.
Vào lúc dân Đức ngán sợ sự mất an ninh do người tị nạn gây ra, AfD thu hút được sự ủng hộ, vì kêu gọi chính phủ hạn chế số người tị nạn, đóng cửa biên giới Đức và họ còn tung ra những quan điểm chống Hồi giáo mạnh mẽ.
Cương lĩnh tranh cử của AfD là cấm tất cả các giáo đường Hồi giáo, hạn chế tín đồ đạo Hồi tụ tập cầu nguyện và đòi truy tố hình sự người đeo mạng che mặt. AfD bị xem là đảng cực hữu, còn bài xích Liên hiệp châu Âu (EU) và đòi ‘Dexit’ (tức Đức rời khỏi EU, như Anh có ‘Brexit’) và đòi cấm cửa dân nhập cư.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã so sánh AfD với phát xít Đức và làm các đảng khác sợ, từ chối hợp tác với AfD, thậm chí không muốn ngồi cạnh các nghị sĩ AfD ở Bundestag (Quốc hội Đức).
Vĩnh Thụy (theo Guardian)