Thủ tướng 'cấm' vay tiền nước ngoài để chi thường xuyên
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 21:38, 21/09/2017
Thủ tướng Chính phủ vừa ký chỉ thị 37/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý, giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương.
Theo đó, về nguyên tắc, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, quản lý vay, trả nợ vay chính quyền địa phương chặt chẽ, đảm bảo không vượt quá mức dư nợ tối đa của từng tỉnh, thành phố theo quy định của Luật. Đồng thời, việc vay, trả nợ phải đảm bảo tuân thủ kế hoạch vay, trả nợ hàng năm của chính quyền địa phương được Quốc hội phê duyệt.
Trong bối cảnh nợ công, nợ chính phủ tăng cao, các khoản vay ODA giảm dần, Việt Nam phải thực hiện các khoản vay hỗn hợp bao gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi với điều kiện vay gần sát với thị trường.
"Các địa phương khi đề xuất đầu tư cần ưu tiên sử dụng vốn vay ODA với điều kiện ưu đãi cao cho các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách của địa phương; vốn vay nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên", chỉ thị nêu.
Trên cơ sở các khoản vay, trả nợ của ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt, các địa phương lập kế hoạch vay, trả nợ chi tiết, trong đó phân chia theo từng nội dung: Vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn, tạm ứng vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (nếu có) và giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng của địa phương tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ, đúng quy định.
Khi thực hiện kế hoạch vay, trả nợ nước ngoài, các địa phương ưu tiên giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài vay về cho vay lại đã cam kết với nhà tài trợ. Trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt quá mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định. Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ, các địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Để triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo cho từng địa phương mức bội chi ngân sách địa phương của năm kế hoạch, tổng số vay trong năm, gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Giám sát, có các giải pháp đảm bảo việc vay, trả nợ của địa phương trong phạm vi dư nợ tối đa theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm được Quốc hội phê duyệt.
Thủ tướng cũnggiao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm, ưu tiên bố trí đủ dự toán chi đầu tư nguồn vốn ngoài nước của ngân sách trung ương, trong đó có nguồn hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương và kế hoạch vốn đối ứng theo tiến độ chương trình, dự án đã ký kết thỏa thuận vay và theo tỷ lệ vốn cấp phát được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi trình cấp có thẩm quyền dự án mới, đối với phần vốn hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương theo tỷ lệ phải khẳng định được khả năng bố trí trong khuôn khổ kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu trong trường hợp sử dụng khoản vay về cho vay lại làm cho dư nợ thực tế vượt quá mức dư nợ tối đa cho phép hoặc vượt quá dự toán vay trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương phải bố trí giảm kế hoạch vay các khoản khác hoặc thực hiện trả nợ để đảm bảo các giới hạn nợ theo quy định.
Địa phương sử dụng khoản vay từ nguồn vốn vay nước ngoài vay về cho vay lại có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn; định kỳ báo cáo tình hình giải ngân, trả nợ của địa phương cho Bộ Tài chính để tổng hợp.
Hoài Phong