Xu hướng hiện nay trên thế giới là giảm thuế chứ không phải tăng thuế
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:34, 07/09/2017
Cần số liệu chính xác để đánh giá tác động
Liên quan tới đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, thuế VAT là thuế gián thu, vì thế tăng thuế thường dẫn đến tăng giá hàng hóa, dịch vụ ở mức độ khác nhau.
Bà Mùi dẫn khảo sát của Ngân hàng Thế giớicho biết, đối với 20% người thu nhập thấp chỉ chi trả khoảng 9% tổng số thu thuế VAT, còn 20% người có thu nhập cao (người giàu) chi trả khoảng 40% tổng số thu thuế VAT.
"Mặc dù thuế suất phổ thông đề xuất tăng lên 12% không áp dụng cho nhóm lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục và mức ảnh hưởng độ tác động khác nhau nhưng người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng", bà Mùi cho biết.
Theo bà Mùi, đối với doanh nghiệp, thuế VAT được khấu trừ nhưng do tăng thuế VAT, làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Nếu thu nhập của dân cư không tăng, người có thu nhập thấp sẽ tiết kiệm chi tiêu, khi đó có thể có tác động đến doanh nghiệp do hàng hóa tiêu thụ chậm…Vì vậy cần lưu ý vấn đề này khi tính tới phương án tăng thuế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng, đánh giá tác động của tăng thuế VAT cần có số liệu, thông tin đầy đủ và chính xác.
Cụ thể, khi đề xuất tăng thuế VAT lên 12%, Bộ Tài chính chắc chắn phải cân nhắc trên các khía cạnh như: Khi thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến điều chỉnh từ 20% giảm xuống 17% và 15% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừacó doanh thu 50 tỉđồng và dưới 3 tỉđồng; Thuế thu nhập cá nhân dự kiến còn 5 bậc, mức chịu thuế thu nhập vãng lai chịu thuế từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng…giả sử các yếu tố khác không thay đổi, thì nguồn thu ngân sách nhà nướctừ thuế sẽ giảm bao nhiêu.
Tương tự khi mở rộng cơ sở thuế đối với các sắc thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế Tài nguyên, thuế VAT… thì dự kiến sẽ tăng thu ngân sách được bao nhiêu, từ đó dự kiến mức tăng thuế để vừa đảm bảo nguồn thu và ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm công bằng trong việc nộp thuế và có điều kiện thu hẹp độ doãng của bội chi ngân sách nhà nước.
"Không dễ đạt được đồng thuận"
Trả lời câu hỏi tăng thuế VAT lên 12% có phải xu hướng chung trên thế giới hay không, bà Mùi cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, cải thiện thu nhập của người lao động. Khi phải cơ cấu lại nguồn thu, người ta thường điều chỉnh thuế gián thu (thuế VAT), song song với cơ cấu lại nguồn chi.
"Việt Nam cũng đang thực hiện theo xu hướng này. Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 32%xuống 20%, dự kiến đến năm 2019 xuống còn 17% và 15%. Thuế thu nhập cá nhân doãng bậc phải nộp thuế, sẽ có lợi cho người lao động có thu nhập ở mức trung bình khá và khá. Khi bội chi ngân sách nhà nước lớn, cần phải cơ cấu lại chi tiêu, tiết kiệm chi là biện pháp cấp thiết, nhưng để tăng nguồn thu ổn định hơn, Bộ tài chính xem xét đến phương án điều chỉnh thuế gián thu - thuế VAT", bà Mùi cho biết.
Vị chuyên gia cho rằng, tăng thuế là một trong những giải pháp nhưng kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, tăng thuế không dễ có được sự đồng thuận trong xã hội, bởi nó tác động đến lợi ích của các nhóm dân cư khác nhau.
"Việt Nam cũng đang trong tình trạng này. Nhưng do những bất ổn của chi ngân sách nhà nước hàng chục năm để lại, ảnh hưởng lớn đến an ninh tài chính quốc gia. Bên cạnh cơ cấu lại chi tiêu ngân sách nhà nước là việc phải làm, thì việc mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh tăng, giảm 5 sắc thuế, trong đó có thuế VAT cần được tính tới", bà nói thêm.
Theo Phương Dung/Dân Trí
* Tựado Một Thế Giới đặt lại