Bị ‘ngâm án’ 4 năm, giám đốc DN gửi ‘tâm thư’ đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:43, 24/08/2017
Bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nêu rõ: “Hành vi sai phạm của bị can Vũ Văn Đảo thể hiện xuyên suốt qua ý thức chủ quan: Vũ Văn Đảo đưa công nghệ và vật liệu mới Polypropylen Copolymer (PPC) vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam. Tuy nhiên khi tổ chức sản xuất, Vũ Văn Đảo không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về sản xuất phương tiện giao thông, không thực hiện những quy định về đăng kiểm nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa giải quyết đăng kiểm cho tàu thuyền sản xuất bằng PPC (trong đó có tàu BP 12-04-02). Khi tàu thuyền sản xuất bằng PPC không thể đăng kiểm theo hệ dân sự, Vũ Văn Đảo đã chuyển hướng bán cho lực lượng vũ trang và ký hợp đồng với Đăng kiểm Hải quân để đưa tàu thuyền sản xuất bằng PPC vào lưu thông.
Bị can Vũ Văn Đảo là người sản xuất ra tàu BP 12-04-01, BP 12-04-02 nên biết rõ về tình trạng kỹ thuật của các tàu trên và Đảo biết rõ cơ quan đăng kiểm chưa cho phép sử dụng nhưng vẫn tìm cách đưa tàu BP 12-04-02 vào sử dụng. Hành vi của bị can Vũ Văn Đảo đã cấu thành tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn, quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự”.
Ông Đảo cho biết, vụ án đã bị cơ quan điều tra tạm đình chỉ và “treo án” suốt 4 năm qua do tòa án không đưa vụ án ra xét xử vì không có đủ căn cứ buộc tội. Rất nhiều cơ quan tổ chức từ Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM, Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Đảng ủy Khối doanh nghiệp, VCCI, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học vàCông nghệ, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu... đã có ý kiến, kiến nghị chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ án và hủy bỏ quyết định cấm xuất cảnh nhưng các cơ quan tố tụng TP.HCM vẫn “án binh bất động” và tìm đủ mọi lý lẽ bao biện để “ngâm án”, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, gia đình và xã hội.
“Là một người có kiến thức pháp luật và đang trải qua thời gian dài những ngày tháng bị oan sai, tôi thấy cần phải lên tiếng với Đảng, Nhà nước, Quốc hội thấy được “mặt trái” của hoạt động tố tụng hiện nay để có giải pháp cải cách, thay đổi, đảm bảo hoạt động tố tụng tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, không để tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng diễn ra phổ biến như hiện nay”, ông Đảo nói.
Ông Đảocũng cho rằng, hậu quả của việc không tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng là rất lớn, là nguyên nhân dẫn đến các vụ án oan sai. Khi pháp luật không được tôn trọng sẽ làm cho người dân mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Ai đó nếu có phạm tội thì Cơ quan tố tụng cũng cần phải chứng minh đúng luật để họ tâm phục, khẩu phục, khi đó mới có thể giúp người ta tiến bộ và trở thành người tốt. Một người không có tội nhưng Cơ quan tố tụng lại cứ ép người ta phải có tội sẽ dẫn đến sự bất mãn và nó sẽ không giúp cho xã hội tốt đẹp hơn”, ông Đảo nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, khi pháp luật không được tôn trọng thì việc giải quyết vụ án sẽ bị kéo dài, làm cho bộ máy các cơ quan tố tụng ngày càng phình to còn các cơ quan nhà nước khác cũng phải tăng biên chế để tiếp nhận đơn thư kêu oan, khiếu kiện của người dân, mất nhiều thời gian cho việc họp hành, chỉ đạo… Theo đó, vị này kiến nghị Quốc hội mở một cuộc điều tra, đánh giá xem có bao nhiêu vụ án có vi phạm pháp luật tố tụng hình sự để từ đó có cái nhìn đầy đủ về bức tranh hoạt động tố tụng hiện nay và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, các quyết định hành chính, dân sự nếu trái pháp luật thì công dân có quyền khởi kiện ra tòa nhưng với các quyết định tố tụng thì người dân không có quyền khởi kiện mà chỉ khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan tố tụng và lại chính các cơ quantố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết đơn nên hầu hết các khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự đã không được giải quyết để người dân tâm phục, khẩu phục.
Ví dụ vụ án cano Cần Giờ tại TP.HCM năm 2013 với hàng loạt các hành vi vi phạm pháp luật tố tụng hình sự được các chuyên gia chỉ rõ nhưng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không thừa nhận để giải quyết làm cho vụ án kéo dài suốt 4 năm và chưa biết khi nào mới kết thúc. Quốc hội cần tổ chức một đoàn kiểm tra đánh giá lại toàn diện vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” do Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố để nhìn thấy các bất cập trong hoạt động tố tụng và việc lạm dụng quyền lực trong thi hành công vụ.
Vị này cũng chia sẻ, theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì “Cơ quan nhà nước, Ủyban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng”. Tuy nhiên, việc giám sát của Quốc hội và đại biểu quốc hội chưa thuyết phục được các cơ quan tố tụng, phần lớn vẫn là chuyển đơn và cơ quan làm sai thì vẫn cứ trả lời đơn theo cách bao biện không có sai,mọi việc lại đâu vào đó làm cho người dân, dư luận xã hội bức xúc. Quốc hội cần mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề này.
Hoài Phong