Mỹ ‘xử’ 4 nước không chịu nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất
Quốc tế - Ngày đăng : 12:54, 24/08/2017
Ngày 22.8, các quan chức hai Bộ Ngoại giao và An ninh nội địa Mỹ xác nhận lệnh cấm, nhưng không nói 4 nước nào. Nhưng nguồn tin của báo Washington Times cho biết đó là Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone.
Ông Trump vận dụng công cụ trừng phạt hiệu quả
4 nước này thuộc nhóm nước từ chối hoặc trì hoãn vô căn cứ việc nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất từ nhiều năm nay, như Eritrea bị xếp là “quốc gia bướng bỉnh nhất”, từ chối nhận lại công dân phạm pháp ở Mỹ từ năm 2004.
Khi nhậm chức, ông Trump lệnh cho chính phủ sử dụng điều khoản 243d của Luật di trú, cho phép ông trừng phạt các nước từ chối nỗ lực trục xuất của Mỹ.
Điều luật này quy định một khi Bộ trưởng An ninh nội địa xác định nước nào lại từ chối nhận công dân về nước, Bộ trưởng sẽ báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ, và tùy Bộ này ra các mức trừng phạt nước từ chối.
Trong tuần này, Bộ An ninh nội địa đã gửi thư đến Bộ Ngoại giao, và Bộ này nay phải ngưng cấp visa cho một số ít hoặc toàn bộ công dân 4 nước trên.
Điều khoản luật này từng được kích hoạt chống lại Guyana năm 2001 và Gambia năm 2016, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ngưng cấp visa cho quan chức chính phủ hai nước này và gia đình họ.
Nhưng biện pháp này có hiệu quả, như sau khi bị trừng phạt, chính phủ Guyana gần như lập tức nhận lại 112/113 công dân bị trục xuất.
Còn nước nào chưa nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất ?
Kích hoạt lệnh cấm cấp visa là cách Tổng thống Trump giữ lời hứa buộc các nước phải nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất.
Khi tranh cử tổng thống, ông Trump phàn nàn “ít nhất 23 quốc gia từ chối nhận lại công dân bị buộc phải rời Mỹ, gồm rất nhiều tội phạm bạo lực”.
Ông Trump chỉ trích ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton là một phần của vấn nạn này: “Khi là Ngoại trưởng của Obama, lẽ ra bà ấy phải ép các chính phủ nước ngoài, nhưng lại cho phép hàng ngàn tội phạm nước ngoài được thả tự do, vì nước của chúng không nhận lại chúng”.
Theo Washington Times, ông Trump đã tích cực "xử" những nước từ chối nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất:
Cuối năm 2016, có 20 nước đã liên tục từ chối nhận lại người, nhưng đến tháng 5.2017, chỉ còn 12 nước.
Các nước như Somalia và Iraq được xóa khỏi danh sách này. Chính phủ Iraq hứa sẽ nhận lại người bị trục xuất, để tránh bị ông Trump trừng phạt.
Nhưng danh sách này vẫn còn Cuba và Trung Quốc. Năm 2016, Mỹ nỗ lực trục xuất 35.000 người Cuba có tiền án tiền sự. Số người di dân phạm pháp chờ bị trục xuất về Trung Quốc là 1.900 người. Cuba đã hứa sẽ hợp tác tốt hơn với Mỹ.
Mỹ sẽ tiến hành cấm cấp visa thường xuyên ?
Việc các nước từ chối nhận lại người bị trục xuất đã dẫn đến nhiều hậu quả bi thảm.
Đáng nói nhất là vụ Haiti từ chối nhận lại Jean Jacques, một người di dân trái phép phạm tội toan giết người. Năm 2001, Tòa án tối cao liên bang Mỹ ra phán quyết không thể tạm giam ông ta quá 180 ngày. Vì thế, FBI phải thả Jacques, và vài tháng sau, ông ta giết một thiếu nữ ở Connecticut.
Một di dân trái phép khác là Thong Vang (người Lào) được thả năm 2014, sau khi mãn án tù vì tội hiếp dâm. Lào từ chối nhận lại Thong Vang. Năm 2016, ông ta lại bị tống vào tù ở California, sau khi bắn chết hai quản giáo.
Các chính phủ Mỹ trước đây miễn cưỡng kích hoạt lệnh cấm cấp visa cho nước từ chối nhận lại công dân bị Mỹ trục xuất. Họ thường chọn cách triệu tập đại sứ hoặc gởi thư để khiển trách. Các quan chức nói cấm cấp visa là một công cụ lỗ mãng.
Nhưng nhưng vụ việc như Jacques giết người đã khiến các nghị sĩ lưỡng viện Mỹ phẫn nộ. Họ đòi không chỉ trừng phạt bằng cách ngưng cấp visa, mà còn đề nghị xem xét Mỹ ngưng viện trợ cho các nước từ chối hợp tác.
Từ vụ ngưng cấp visa cho 4 nước Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone, tổ chức NumbersUSA (chuyên thúc đẩy các Tổng thống Mỹ áp dụng công cụ này) nói: “Cuối cùng chúng ta có một chính phủ đang làm điều cần phải làm. Việc này cần được thực hiện thường xuyên. Nên cấm cấp visa ngay lập tức, ngay khi nước nào từ chối nhận lại công dân phạm pháp của họ”.
Bích Ngọc (theo Washington Times)