Nhà văn Chu Lai, NS Phó Đức Phương tranh cãi việc Ngọc Sơn được phong 'Giáo sư âm nhạc'

Văn hóa - Ngày đăng : 12:58, 23/08/2017

Liên quan đến việc nam ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (thuộc Bộ Công thương) phong tặng danh hiệu “giáo sư âm nhạc”, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng về vấn đề này.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã khẳng định: “Trong lịch sử chưa từng có danh hiệu này. Ngọc Sơn làm sao có thể làm giáo sư được. Tôi không muốn bình luận thêm".

Cũng đưa ra quan điểm của mình, tiến sĩ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng việc Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tự ý phong chức danh giáo sư cho ca sĩ Ngọc Sơn mà không kiểm tra lại là hoàn toàn không ổn, thậm chí cách trả lời của chính người ký bằng khen đó là không thể chấp nhận được. “Giáo sư là chức danh phải do cơ quan có thẩm quyền công nhận. Người ta không thể tự nhận chức danh đó. Còn việc bên trao tặng bằng khen lấy lý do đương sự tự khai cũng không thể chấp nhận được. Anh phải có trách nhiệm chứ, anh phải xác minh người ta khai ra chức danh giáo sư do ai công nhận. Anh phải yêu cầu cung cấp hồ sơ, tại sao lại cứ nghe như vậy. Đã ghi là giáo sư thì phải có công nhận đi kèm. Đó là ngụy biện”, ông Sơn nói.

Bằng khen ghi nhận ca sĩ Ngọc Sơn là Giáo sư âm nhạc

Ông Sơn cũng lưu ý một chi tiết trên tấm bằng khen do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN trao tặng cho ca sĩ Ngọc Sơn. Đó là việc chữ ký là Chủ tịch Lê Ngọc Dũng, tuy nhiên dưới tên ông Dũng lại ghi thêm chức danh là Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN.
Về việc ghi thêm này, ông Sơn cho rằng: “Cũng không được. Những chức danh ghi vào tên phía dưới, chức danh thêm buộc phải ghi vào vì nó liên quan đến thẩm quyền khen, xử lý công việc. Trường hợp này, nếu ghi Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu VN thì được, chứ không phải ghi MTTQ VN vì Mặt trận chả dính dáng gì ở đó cả. Nếu cơ quan chủ quản của hội là MTTQ thì mới ghi như thế được”.

Là một nghệ sĩ trẻ, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật âm nhạc nước nhà, nghệ sĩ violin Hoàng Rob - người vừa nhận được giải Cống Hiến 2017 cho rằng: “Với những người nghệ sĩ có 2 điều quý giá đó chính là được sự phong tặng của các tổ chức xã hội và của khán giả. Việc ca sĩ Ngọc Sơn được phong tặng danh hiệu gây phản cảm cho công chúng, cho cộng đồng và đặc biệt hơn là với những người trong nghề. Điều đó đã đi ngược lại với nhiều tiêu chí nghệ thuật chứ đừng nói là anh ấy có xứng đáng hay không. Tôi không tiếp xúc với anh Ngọc Sơn, cũng không nghe dòng nhạc bolero, trữ tình mà anh theo đuổi, nhưng theo cách thể hiện tôi thấy trên truyền hình, các phần biểu diễn, thì anh ta là người thẳng thắn, có cảm xúc với phần trình diễn, còn tôi không nghĩ với tính cách đó, anh Ngọc Sơn lại mang ra PR, vì bản thân tên của anh cũng đã được người ta biết đến quá nhiều”.

Cũng theo nghệ sĩ Hoàng Rob, việc cần có chế tài riêng cho các tổ chức, hiệp hội trao tặng bằng khen một cách vô tội vạ cần để cho các cơ quan có chức năng giải quyết. Và cũng đến lúc việc phong tặng nên được để ý, quan tâm sâu sắc hơn để những danh hiệu và người nhận danh hiệu đó không cảm thấy bất an hay lạc lõng ở những khoảng thời gian sau khi danh hiệu được trao.

Nghệ sĩ trẻ violin Hoàng Rob

Gay gắt hơn, nhà văn Chu Lai đã lên tiếng cho rằng Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đang “lạm phát” thuật ngữ và danh hiệu phong tặng. Điều này, dễ khiến việc phong tặng rơi vào vùng “chợ trời danh hiệu”. Đã đến lúc giới chức trách phải căn chỉnh tất cả, nhìn nhận mọi việc một cách chín chắn hơn, thấu cảm hơn để thỏa đáng người được nhận, người phong tặng và khán giả.

"Một ca sĩ chỉ hát nhạc bolero, tai tiếng kha khá, chưa đứng trên bục giảng bao giờ, chưa có công trình nghiên cứu khoa học sáng láng lại ngẫu nhiên đứng giữa trời nói tôi là “giáo sư âm nhạc” quả thật không thể chấp nhận được. Điều này khiến cho các nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư đầu ngành nghĩ rằng, hóa ra cả cuộc đời mình để tiến tới một đỉnh cao về trí tuệ lại trở thành trò cười thiên hạ” - nhà văn Chu Lai lên tiếng.

Đối với Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vừa phong tặng danh hiệu cho Ngọc Sơn, nhà văn nhìn nhận, đơn vị này cần phải thấy việc làm của mình quá vô duyên và phi lý. “Người ta nói rằng, có những hội tồn tại trên đời này chỉ cần có chút vật chất “bơm” vào, thậm chí mua các danh hiệu bằng vật chất, nhưng đó là quan điểm thiếu hiểu biết. Chả nhẽ trên đời này, một hầu bao lại có thể mua được khát vọng một đời người về trí tuệ. Tôi cho rằng, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam với sự “sắc phong” tùy tiện này có nên tồn tại nữa hay không?”.

Mặc dù không trả lời chính thức báo chí nhưng ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam, người ký bằng khen tặng ca sĩ Ngọc Sơn danh xưng “Giáo sư âm nhạc, ca sĩ Phạm Ngọc Sơn” cũng có chia sẻ rằng, danh xưng “giáo sư âm nhạc” là do hồ sơ của ca sĩ này tự khai. “Anh Ngọc Sơn khai thế nào chúng tôi ghi như thế. Anh ấy khai thế nào thì phải tự chịu trách nhiệm và hội chỉ yêu cầu ca sĩ Ngọc Sơn giải trình, nếu không tự giải trình được Hội sẽ thu bằng khen”, ông Dũng nói.

Có thể nói, dù có thể việc tự phong danh giáo sư của ca sĩ Ngọc Sơn là thật thì Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam cũng không thể tắc trách đến mức nhắm mắt ký tặng bằng khen cho hội viên mà mình chưa nắm rõ. Khi dư luận ồn ào, hội cũng không có động thái gì chứng tỏ muốn sửa sai hay xin lỗi dư luận trong vấn đề này.

Dạ Thảo

Hải Yến