Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nén
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:18, 14/08/2017
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, tính từ đầu năm 2016 tới ngày 10.8, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Tổng công ty Đường sắt 57 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 56 nhiệm vụ, còn 1 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng yêu cầu tổng công ty báo cáo toàn bộ các giải pháp bảo đảm vấn đề tăng trưởng, thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng. Cụ thể là các giải pháp tăng sản lượng, doanh thu vận tải để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của khu vực dịch vụ năm 2017 là 7,19% và khách du lịch tăng trên 30%.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tổng công ty báo cáo, làm rõ về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác quản trị. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 đạt hơn 6.500 tỉ đồng, tuy nhiên so với 2015 giảm 12%.
“Trong thời điểm hiện nay, có thể nói với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua các năm. Chúng ta có hạ tầng đầu tư từ Bắc tới Nam nhưng rất lâu đời, các vấn đề khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe… còn ít được quan tâm. Việc đầu tư kho bốc xếp, cảng bốc xếp, kết nối đường sắt với ga hàng không, đường biển, các khu công nghiệp… cũng ít được quan tâm”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tổng công ty tính toán để nâng sức cạnh tranh. “Hay nói cách khác là có vẻ tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nén trong thời kinh tế thị trường. Thủ tướng nhắc các anh suy nghĩ thêm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng.
Thủ tướng cũng nhắc nhở vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt người dân rất lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt, tuy có giảm so với năm 2016 nhưng các vụ việc xảy ra gần đầy liên quan đến an toàn tàu chạy, gây hư hỏng toa xe, kết cấu hạ tầng gây thiệt hại về người. Các vụ việc cụ thể như tai nạn tại ga Yên Viên, Hà Nội và sự cố điều hành 2 đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) dù chưa gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản nhưng cho thấy trách nhiệm, kỷ luật của cán bộ có vấn đề, cần phải làm rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt chú trọng việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, triển khai xã hội hóa các dịch vụ hạ tầng.
“Trước buổi làm việc, Chủ tịch Tổng công ty, anh Vũ Anh Minh có nói mấy vấn đề rất đáng mừng, đó là đang kêu gọi các nhà đầu tư vào các kho bãi, phương tiện bốc xếp, kết nối các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… Nếu làm được thì rất tốt. Các container vận chuyển qua đường sắt rẻ hơn nhiều so với đường bộ, nếu có đường kết nối từ đường sắt tới các khu công nghiệp, cảng biển thì nhiều nhà đầu tư sẵn sàng. Ngoài phần đầu tư của nhà nước, thì ngành cần hết sức chú ý cái này, nếu không thì không thể cạnh tranh”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công nghệ điều hành màhiện còn sử dụng thủ công quá nhiều.
Cũng tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý 2 nhiệm vụ liên quan tới Bộ Giao thông vận tải. Đó là cần rà soát lại, báo cáo việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt từ 7.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ và khẩn trương rà soát các đường ngang, lối đi dân sinh để kịp thời xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn, tổ chức cảnh báo, cảnh giới kịp thời.
Giải trình với Tổ công tác, ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng thừa nhận thực trạng hiện nay kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, tốc độ bảo trì cũng rất chậm với 70 năm một vòng bảo trì.
Vị này cũng cho biết, hành khách bỏ đường sắt không phải vì giá vé mà vì chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của đường sắt còn thấp. Vấn đề này thời gian tới ngành đường sắt sẽ phải khắc phục.
Hoài Phong