Vụ hoa hậu Phương Nga: Gian nan đi tìm sự thật
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:31, 12/08/2017
Trước đó, vào cuối tháng 6, TAND TP.HCM đã hoãn phiên xét xử để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung do cần phải xem xét thêm những chứng cứ mới, nhưng không thể bổ sung tại phiên tòa.
Vậy, điều gì đã khiến cho các cơ quan tố tụng phải hết sức cân nhắc trong vụ án này
Mâu thuẫn từ chính nội dung tố cáo của người bị hại
Thông thường, đối với các vụ án về xâm phạm quyền sở hữu tài sản (như lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) đều bắt đầu từ những giao dịch có tính chất dân sự (như các hợp đồng vay, mượn tài sản, hay nhận tiền để thực hiện một công việc nào đó…).
Chính vì vậy, nội dung “Đơn tố cáo” của người bị hại trong các vụ án này là một trong những tài liệu phản ánh trung thực nhất mối quan hệ giao dịch giữa bị cáo và người bị hại. Và nó cũng được xem là tài liệu, chứng cứ quan trọng để xác định bị cáo có hành vi phạm tội hay không?
Trong vụ án này, ông Cao Toàn Mỹ có đơn tố cáo lần đầu (khoảng tháng 4.2014) với nội dung: Nga vay tiền để mở spa nhưng không trả, nhưng sau đó lại nộp đơn khác (tháng 8.2014) tố cáo Nga lừa đảo mua nhà để chiếm đoạt số tiền 16,5 tỉđồng .
Như vậy, việc người bị hại chuyển tiền cho bị cáo vì lý do gì, chỉ có bị hại và bị cáo biết. Tuy nhiên, nếu trong đơn tố cáo lần đầu gửi đến cơ quan chức năng, người bị hại cho rằng, đó là số tiền cho bị cáo vay mượn để mở spa thì lý do này có giá trị xác tín từ góc độ đánh giá chứng cứ. Vì một lẽ đơn giản, đơn tố cáo là do bị hại viết, lý do của việc chuyển tiền cũng chỉ có bị hại là người nắm rõ.
Vì vậy, khi người bị hại chuyển hướng tố cáo sang một nội dung khác (từ tố cáo vay tiền sang lừa mua nhà) sẽ tạo ra sự nghi vấn và thiếu sức thuyết phục, trừ phi họ có sự giải thích rõ ràng về lý do của việc thay đổi nội dung tố cáo, và lời giải thích này phải phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Sự thừa nhận của bị cáo cũng là chuyện “đau đầu”
Nhìn chung, trong các vụ án hình sự, nếu bị can (bị cáo) có sự thừa nhận về một hành vi hay tài liệu nào đó của vụ án, và sự thừa nhận này phù hợp với chiều hướng buộc tội của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thì lời thừa nhận này có giá trị chứng cứ rất cao. Thậm chí là căn cứ vững chắc để xác định bị can (bị cáo) có hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, nếu bị can (bị cáo) thừa nhận về một hành vi hay sự kiện nào đó của vụ án, nhưng sự thừa nhận này lại được giải thích bằng một lý do khác, không cùng chiều hướng với quan điểm buộc tội của cơ quan công tố, thì lời thừa nhận đó cũng là chuyện “đau đầu” đối với HĐXX .
Trong vụ án này, người ta thấy có rất nhiều vấn đề được hoa hậu Phương Nga thừa nhận, từ việc cô có nhận tiền của ông Cao Toàn Mỹ đến việc nhờ người làm giấy tờ mua bán nhà. Thậm chí còn thừa nhận cả việc thực hiện hành vi làm giấy tờ giả…
Thế nhưng, tại phiên tòa, tất cả sự thừa nhận trên lại được giải thích theo một chiều hướng khác, và chiều hướng này lại phù hợp với nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng của vụ án. Đặc biệt là phù hợp với nội dung đơn tố cáo lần đầu của người bị hại.
Theo đó, cựu hoa hậu cho rằng, mình có quan hệ tình cảm với ông Mỹ và xuất phát từ quan hệ tình cảm này, ông Mỹ đã tự nguyện cho tiền để cô mở spa nhằm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do có sự mâu thuẩn trong quan hệ tình cảm nên ông Mỹ đã nhờ người khác tác động để cô làm một số giấy tờ mua bán nhà giả. Sau đó, dùng chính các giấy tờ này để tố cáo cô về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền mà ông Mỹ đã tự nguyện cho cô trước đó.
Sẽ là điều không đáng quan tâm, nếu như lời trình bày của bị cáo hoàn toàn không có cơ sở. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là, nội dung các lời khai này của bị cáo lại phù hợp với nội dung đơn tố cáo lần đầu của ông Mỹ về việc cho bị cáo vay mượn tiền để mở spa. Tiếp đến là thời điểm lập ra các giấy tờ mua bán nhà. Và cuối cùng là lời khai của bị cáo Dung và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa.
Như vậy, nếu lời trình bày của hoa hậu Phương Nga được chứng minh là đúng thì sự thật này hoàn toàn có thể đánh đổ các căn cứ buộc tội của cơ quan công tố. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không đơn giản. Nhất là khi, cho đến thời điểm này, ngoài lời khai của các bị cáo và nhân chứng Lữ Minh Nghĩa về quan hệ tình cảm giữa Nga và ông Mỹ, chưa có tài liệu nào có giá trị chứng minh một cách vững chắc rằng, số tiền 16,5 tỉ Nga nhận của ông Mỹ là tiền ông Mỹ cho Nga, và chính ông Mỹ đã nhờ người tác động để Nga làm giả một số giấy tờ mua nhà. Sau đó, dùng chính các giấy tờ này để tố cáo cô về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chúng ta hãy tiếp tục chờ đợi kết quả điều tra bổ sung như thế nào?
Luật sư HỒ NGỌC DIỆP (Đoàn luật sư TP.HCM)
9 nội dung cần điều tra bổ sung
Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra làm rõ 9 nội dung quan trọng, có tính quyết định tới việc xác định sự thật, bản chất của vụ án, bao gồm:
1.Điều tra xác định thời điểm tạo lập các văn bản thỏa thuận mua bán nhà, giấy thỏa thuận nguyên tắc ngày 5.10.2013 giữa Trương Hồ Phương Nga và bà Lương Thị Kim Phi, giấy hẹn thanh toán…
Kiểm tra truy xuất trên máy tính của Trương hồ Phương Nga… trưng cầu cơ quan giám định để xác định thời điểm tạo lập. Làm rõ việc Cao Toàn Mỹ nhận các thỏa thuận trên từ ai và chứng minh nguồn gốc các giấy tờ trên.
2.Quá trình điều tra cần chứng minh Nguyễn Đức Thùy Dung tham gia như thế nào trong quá trình tạo lập các văn bản thỏa thuận mua bán nhà, giấy nhận tiền, cũng nhưý thức chủ quan của bị cáo liên quan đến khoản tiền 16,5 tỉ đồng để chứng minh Nguyễn Đức Thùy Dung phạm tội với vai trò đồng phạm.
3.Trường hợp kết quả điều tra bổ sung chứng minh được bản chất số tiền 16,5 tỉ đồngcủa ông Mỹ chuyển cho Nga và khoản tiền chuyển thông qua tài khoản của Dung không phải là tiền thỏa thuận mua bán nhà thì cần điều tra làm rõ ai là người tạo lập các tài liệu chứng cứ đó nhằm mục đích gì để xử lý theo quy định pháp luật.
4.Điều tra làm rõ lời khai của Trương Hồ Phương Nga, Nguyễn Đức Thùy Dung và một số người làm chứng khác đính kèm đơn, nội dung xét hỏi theo biên bản phiên tòa và các tài liệu xác minh tại một số khách sạn do luật sư Nguyễn Văn Dũ cung cấp để xem xét có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng hay không để xử lý theo quy định pháp luật.
5.Làm rõ lời khai của Nga và một số cá nhân liên quan về việc thuê người đe dọa ông Cao Toàn Mỹ cũng như lời tố cáo của Nga tại phiên tòa là ông Mỹ cũng có hành vi đe dọa đối với Nga nếu đủ căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
6.Yêu cầu truy xuất dữ liệu trong các email mà Nga cho rằng đây là nội dung đàm phán về thỏa thuận tình cảm giữa Nga và ông Mỹ,làm rõ các địa chỉ email mang những nội dung này là của ai, thời điểm tạo lập lúc nào.
Cần để cho Trương Hồ Phương Nga truy xuất vào địa chỉ email của Nga để xác định các tài liệu liên quan đến thỏa thuận tình cảm này được lưu giữ trên email, máy tính của Nga. (Đây là chứng cứ gỡ tội cho Trương Hồ Phương Nga).
7.Tại phiên tòa, Lữ Minh Nghĩa, Hồ Mai Phương, Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Đức Thùy Dung đã khai ra quá trình Dung bị tạm giam tại phòng KG 15 trại tạm giam Chí Hòa.
Lúc nàyLữ Minh Nghĩa có thông qua một đối tượng tên Nghĩa là quản giáo trại tạm giam Chí Hòa, Nghĩa cung cấp số điện thoại của Nguyễn Mai Phương và đối tượng tên Nghĩa đưa 5 bức thư viết trên túi ni lôngdo Dung viết từ trại tạm giam chuyển ra cho Lữ Minh Nghĩa.
Theo Lữ Minh Nghĩa, sau khi nhận được thư này, Nghĩa đã chuyển cho bà Nguyễn Mai Phương.
Bà Hồ Mai Phương thì khai được Nguyễn Mai Phương dịch các nội dung viết trên ni lông (đồng thời cung cấp đoạn ghi âm ghi lại nội dung các cuộc trao đổi được bà Mai Phương khẳng định là trao đổi với Nguyễn Mai Phương có niêm phong kèm theo hồ sơ vụ án).
Bà Hồ Mai Phương và Lữ Minh Nghĩa khẳng định quản giáo tên Nghĩa là do Nguyễn Mai Phương giới thiệu.
Nguyễn Mai Phương phủ nhận lời khai và xác định cán bộ quản giáo tên Nghĩa là do bà Hồ Mai Phương quen biết với một điều tra viên C45 và người này đã móc nối với cán bộ trại tên Nghĩa (có đoạn ghi âm diễn biến phiên tòa phần xét hỏi liên quan theo nội dung ghi âm của tòa án gửi kèm hồ sơ).
Bị cáo Dung khai việc bị cáo viết thư có sự chứng kiến của Thùy Trang bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Loan trưởng buồng giam bị truy tố về tội “môi giới mại dâm”.
Hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ tính khách quan của hai biên bản ghi lời khai ngày 29.9.2014 của Trương Hồ Phương Nga và lời khai ngày 9.9.2014 của Cao Toàn Mỹ vì hai lời khai này khác nhau về mặt thời gian nhưng giống nhau về dấu chấm, dấu phẩy và có sự nhầm lẫn về đại từ nhân xưng.
Đồng thời cần làm rõ có hay không hành vi vi phạm hoạt động tư pháp.
8.Thực hiện ủy thác xác định lời khai của Trương Hồ Phương Nga liên quan đến việc các luật sư nêu về 17 lần xuất nhập cảnh cùng Cao Toàn Mỹ, Nga khẳng định những lần ra nước ngoài đều ngủ chung một phòng, ông Cao Toàn Mỹ phủ nhận và cho rằng đó là một sự tình cờ cùng xuất cảnh, chỉ một hai lần có công việc chung và Nga đi nước ngoài cùng bạn trai của Nga.
9.Ngoài ra, tại phiên tòa, người làm chứng, luật sư nói còn một số tài liệu liên quan đến vụ án. Đề nghị thu thập để chứng minh sự thật khách quan vụ án.
(Theo Tuổi Trẻ Online)