Đề xuất bỏ điều kiện về vốn đối với dịch vụ đòi nợ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:32, 07/08/2017
Trong tờ trình vừa được gửi lên Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện đang quy định 2 nhóm điều kiện chính với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là: điều kiện về vốn và điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động trong doanh nghiệp này.
Với điều kiện về vốn, quy định nêu rõ mức tối thiểu về vốn là 2 tỉ đồng để đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có cơ sở vật chất tối thiểu khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 2014 không còn có quy định về vốn pháp định. Vì vậy, trừ một số ngành đặc biệt như ngân hàng, chứng khoán... thì với đa số ngành nghề khác, vốn không còn là một điều kiện kinh doanh.
Vềquy định yêu cầu người quản lý và người lao động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đảm bảo điều kiện về tư pháp, nghĩa là phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có tiền án và điều kiện về năng lực chuyên môn, tức là phải có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Qua một thời gian thực hiện, Bộ thấy rằng năng lực chuyên môn của người quản lý và người lao động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của chính doanh nghiệp ngành đó mà không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp khác cũng như đến nền kinh tế. Do đó, điều kiện này đã không còn cần thiết.
Về điều kiện lý lịch tư pháp, Bộ Tài chính dẫn ý kiến Bộ Công an cho rằng trong những năm qua, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ chủ yếu phức tạp về an ninh, trật tự. Vì vậy công tác quản lý đối với ngành, nghề này hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Công an và được quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Tài chính khẳng định: "Việc bãi bỏ Nghị định trên vẫn đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ của Bộ Công an đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, không tạo lỗ hổng để xảy ra việc lạm dụng, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội".
Báo cáo của 43 tỉnh, thành phố cho biết đến hết năm 2015, cả nước có 3 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn hoạt động là TP.HCM (16 cơ sở), Đà Nẵng (4 doanh nghiệp) và An Giang (1 doanh nghiệp).
Tuyết Nhung