Vụ tàu thuyền PPC: UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội sắp làm việc với DN
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:35, 03/08/2017
Liên quan đến vụ việc doanh nghiệp (DN) đóng tàu thuyền vật liệu PPC “kêu cứu” về vấn đề đăng kiểm trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trả lời vấn đề này cho DN.
Theo đó, ngày 5.8 tới đây, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, chủ nhiệm ủy ban dẫn đầu sẽ làm việc, khảo sát tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc (Bà Rịa- Vũng Tàu) để trả lời những thắc mắc của chuyên gia và DN trong vấn đề đăng kiểm tàu thuyền vật liệu PPC.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này. "Hy vọng "trăm nghe không bằng một thấy", đoàn công tác sẽ có cái nhìn đầy đủ về tàu vật liệu PPC và sẽ có ý kiến chỉ đạo Chính phủ tháo gỡ khó khăn đăng kiểm tàu thuyền, nếu không thì DN không biết kêu ai".
Trước đó, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho biết cơ sở ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BGTVT ngày 20.12.2016 quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị cho biết tại sao Công ty Việt Séc (khu công nghiệp Đông Xuyên thành phố Vũng Tàu) đã gửi 2 hồ sơ đăng ký kiểm định đối với 2 tàu chở khách PPC (có chiều dài 20m và 35m) tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.
Bộ GTVT cũng trả lời kiến nghị này, tuy nhiên, DN không đồng tình và đã chỉ ra hàng loạt các điểm bất cập của QCVN 95: 2016/BGTVT. Theo đó, trước khi Quy chuẩn tàu PPC được Bộ GTVT ban hành thì cơ quan đăng kiểm đã đăng kiểm hàng loạt tàu có sức chở đến 12 người và Bộ cũng đánh giá các tàu này đến nay vẫn rất an toàn, vậy thì cần gì phải ban hành quy chuẩn giới hạn sức chở 12 người? Nếu không có quy chuẩn QCVN95:2016/BGTVT thì DN sẽ không bị phá sản và người lao động không bị mất việc.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Việt Séc nêu rằng, dù Bộ GTVT nói ban hành không có nghĩa là cấm chế tạo các phương tiện thủy nội địa có kích thước và sức chở lớn hơn quy chuẩn nhưng về mặt luật pháp thì quy chuẩn là một văn bản pháp luật có tính bắt buộc phải tuân thủ đối với các bên liên quan. Do đó, khi quy chuẩn có hiệu lực thi hành từ ngày 28.7.2017 thì việc đăng kiểm phương tiện có sức chở và kích thước lớn hơn sẽ vô cùng khó khăn.
Dẫn chứng là Bộ GTVT viện dẫn hai tàu đóng thử nghiệm với sức chở 32 và 56 khách do doanh nghiệp ngoài Bắc đóng không thành công nhưng vẫn được đăng kiểm trong khi Công ty Việt Séc đóng hai tàu sức chở 20 và 35 khách đã chạy thử nghiệm rất thành công thì lại không quan tâm xem xét để có cơ sở bổ sung, điều chỉnh quy chuẩn.
“Cơ quan đăng kiểm đã đăng kiểm tàu dài 8m chở 12 người nhưng Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT cho đóng tàu dài 20m sức chở cũng không quá 12 người. Bộ GTVT hãy giải thích xem sức tải của con tàu không phụ thuộc kích thước thì phụ thuộc vào cái gì? Trên thực tế không ai đi đặt đóng tàu dài 20m cũng để chở số khách bằng với tàu dài 8m”, ông Đảo nói.
Ông Đảo cũng cho biết, DN ký hợp đồng đóng các cano du lịch cho khách hàng từ tháng 9.2016, trước thời điểm Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn QCVN95:2016/BGTVT cho tàu PPC có hiệu lực từ ngày 28.7.2017. Hồ sơ tính toán thiết kế DN gửi cho Cục Đăng kiểm từ tháng 11.2016 nhưng đến nay cơ quan đăng kiểm vẫn chưa duyệt hồ sơ thiết kế để Chi cục Đăng kiểm 9 tại Vũng Tàu tiến hành đăng kiểm phương tiện.
Hai chiếc tàu ký hiệu H30 và H38 có sức chở 20 và 35 người đã được đóng hoàn chỉnh và chạy thử thành công từ tháng 4.2017. DN đã nhiều lần có văn bản đề nghị Cục ĐKVN đăng kiểm nhưng đều bị từ chối vì lý do Bộ GTVT đã ban hành QCVN95:2016/BGTVT giới hạn sức chở tối đa của phương tiện là 12 người.
DN nêu rằng, tại sao cả Bộ GTVT và Cục ĐKVN lại bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ một văn bản pháp luật khi nó chưa có hiệu lực pháp luật? Tại thời điểm quy chuẩn, tàu PPC chưa có hiệu lực pháp luật nếu doanh nghiệp đóng được tàu chở khách trên 12 người thì Bộ GTVT phải cho Cục ĐKVN đăng kiểm tàu cho doanh nghiệp như trước đó. Không thể viện dẫn một văn bản chưa có hiệu lực pháp luật để cản trở doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năm 2014, DN đã đóng thành công chiếc tàu cho cảnh sát biển có chiều dài dài nhất 14m, trang bị hai máy trong với tổng công suất 600HP, trong khi hai cano chở khách doanh nghiệp đề xuất đăng kiểm có chiều dài 11m, trang bị hai động cơ ngoài với tổng công suất 500HP. Xét về mặt kích thước, công nghệ và công suất động cơ thì hai cano chở khách nhỏ hơn, đơn giản hơn nhiều so với tàu tuần tra của Cảnh sát biển. Vậy tại sao Bộ GTVT lại cứ phải yêu cầu doanh nghiệp làm thử nghiệm trong khi chiếc tàu to hơn doanh nghiệp đã đóng thành công?
Theo ông Đảo, hai cano công ty đề xuất đăng kiểm từ năm 2016 đã được đóng và chạy thử nghiệm thành công từ tháng 4.2017. Tại sao Bộ GTVT không cử cán bộ vào kiểm tra xem tàu đóng thế nào, hồ sơ thiết kế ra sao mà cứ nói doanh nghiệp muốn đăng kiểm thì phải làm thử nghiệm?
“Nếu cứ suy nghĩ đóng tàu lớn hơn phải làm thử nghiệm thì các hãng tàu du lịch vận chuyển hàng nghìn người chả lẽ phải làm thử nghiệm một chiếc tương tự rồi mới được đóng chính thức?”, ông Đảo nêu câu hỏi.
Do đó, vị này cho rằng Bộ GTVT cần chỉ đạo Cục ĐKVN tiến hành đăng kiểm hai chiếc cano du lịch mà doanh nghiệp đã sản xuất, đã gửi hồ sơ tính toán thiết kế hơn nửa năm nay để cho tàu vào hoạt động tránh thiệt hại thêm cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần xem xét để sửa đổi Quy chuẩn QCVN 95:2016/BGTVT để phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Việc xác định sức chở của phương tiện căn cứ vào hồ sơ tính toán, thiết kế và kiểm tra thực tế hoạt động của phương tiện để có căn cứ cấp đăng kiểm.
Hoài Phong