Nguy cơ mất trắng khi sử dụng tiền ảo Bitcoin
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:56, 01/08/2017
Bitcoin là (tiền thuật toán) hay còn gọi là tiền ảo. Loại tiền này có giá trị vốn hoá thị trường lên tới khoảng 10 tỉ USD, được giao dịch qua Internet. Tuy nhiên việc giao dịch không phải thông qua một tổ chức tài chính nào.
Sau khi có mặt tại Việt Nam, loại tiền ảo này đã nhanh chóng phát triểnnhư một mặt hàng đặc biệt. Đáng chú ý, hiện nay mọi người không chỉ làm giàu và giao dịch bằng tiền Bitcoin mà còn có thể tiêu xài chúng, cũng giống quẹt thẻ ngân hàng.
Ban đầu chỉ là những quán cà phê, rồi là những nhà hàng chấp nhận thanh toán bằng tiền Bitcoin, sau đó ngày càng có thêm nhiều nơi và lĩnh vực sử dụng tiền này, thông qua những ứng dụng (app).
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... hoạt động thanh toán bằng tiền ảo Bitcoin được diễn ra tương đối sôi nổi. Một sốchủ cửa hàng chấp thuận thanh toán bằng đồng Bitcoin với lý do "vừa nhanh vừa tiện lợi", không chịu phí ngân hàng, không bị truy thu thuế...
Tuy nhiên, đằng sau hoạt động mua bán tưởng chừng đơn giản này, nhiều nghi vấn đặt ra đây là hệ thống tư vấn để lôi kéo người chơi đầu tư vào Bitcoin để hưởng phần trăm hoa hồng.
Trao đổi với phóng viên báo Một Thế Giới, một chuyên gia tư vấn về thuế của Trung tâm Hỗ trợ thông tin cho biết việc thanh toán bằng đồng Bitcoin ở trong nước trên thực tế không có lợi so với thanh toán bằng VNĐ. Bởi lẽ, Bitcoin hay VNĐ chỉ là đồng tiền quy đổi thanh toán.
Tuy nhiên, loại tiền ảo này sẽ có giá trị đối với người sử dụng khi thanh toán ở ngoài nước trong trường hợp chuyển tiền không cần giải trình lý do thanh toán và chuyển tiền không cần xin phép.
Song nhìn nhận tại thị trường tài chính Việt Nam, vị chuyên gia này khuyến cáo không nên thanh toán bằng đồng Bitcoin vì đồng tiền ảo này không được Chính phủ cấp phép nên khi bị đánh sập sàn sẽ không có đơn vị ngân hàng, bảo hiểm nào... đứng ra bảo đảm, chi trả và khả năng người chơi bị "mất trắng" sẽ là rất cao.
"Với Bitcoin thì tất cả giao dịch đều phụ thuộc vào hệ thống tại nước ngoài nên khi xảy ra sự cố người chịu thiệt luôn là khách hàng. Đối với các doanh nghiệp, việc thanh toán bằng đồng Bitcoin có thể giúp họ trốn thuế, rửa tiền... Thậm chí, tôi cho rằng các sàn giao dịch Bitcoin đang cho các doanh nghiệp này ưu đãi (thường là hưởng khoảng 5% hoa hồng) để gây hiệu ứng nhằm lôi kéo người chơi Bitcoin nhiều lên", vị chuyên gia này cho hay.
Thực tế, những khách hàng thanh toán bằng đồng Bitcoin đang vô tình vi phạm pháp luật khi “tiếp tay” cho các doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền này để trốn thuế.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề mấu chốt hiện nay là Nhà nước đang thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh, kiểm soát dòng tiền ảo dẫn đến việc quản lý khó khăn do các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền... Cùng với đó còn có nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ.
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro khác nhau cho người sử dụng Bitcoin.
Cụ thể, Thái Lan là quốc gia đầu tiên cấm giao dịch đồng tiền ảo Bitcoin. Chính phủ Nauy cho rằng đồng tiền ảo Bitcoin không đủ tính pháp lý để được coi như tiền tệ thực sự.
Trung Quốc cũng ra lệnh cấm Bitcoin do đánh giá loại tiền này chứa đựng nhiều rủi ro. Văn phòng Công tố Liên bang Nga ban hành quy định, nghiêm cấm sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác.
Bộ Tài chính Canada cũng phát đi thông báo: "Tiền ảo Bitcoin không phải phương tiện thanh toán hợp pháp tại Canada".
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cấm các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Bởi theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh: "Việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng".
Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh. Dự thảo Nghị định về tiền ảo do Bộ Tư pháp xây dựng dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12.2017 và dự thảo Nghị định về tài sản ảo sẽ hoàn tất vào tháng 3.2018.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đã hoàn tất lộ trình ban đầu về việc lấy ý kiến để ban hành các quy định về quản lý tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử, nhằm cụ thể hóa các quy định về quản lý tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015.
Tuyết Nhung