TP.HCM sẽ cưỡng chế sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 17:34, 28/07/2017
Thông tin này được Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tại buổi họp báo định kỳ do UBND TP.HCM tổ chức diễn ra ngày 28.7.
TP.HCM sẽ xử nghiêm vi phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire
Ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM sẽ quyết định cưỡng chế một phần công trình vi phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire.
“Quyết định cưỡng chế đã nằm trên bàn của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ công trình vi phạm, ngay sau khi có quyết định, chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế”, ông Hoan khẳng định.
Theo Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, đây là vụ việc sai phạm nghiêm trọng. Bởi lẽ, dự án này đã lấn không gian sông Sài Gòn, lối đi chung, hành lang bảo vệ an toàn bờ sông nhằm làm tăng giá trị dự án.
“Đây là điều không thể chấp nhận được và thành phố sẽ kiên quyết làm nghiêm. Thành phố chọn dự án này là dự án điểm để tiến hành cưỡng chế. Việc cưỡng chế sẽ tiến hành nhanh, gọn, không có bất cứ áp lực gì. Lực lượng cưỡng chế sẽ bao gồm UBND quận 2 và Sở Xây dựng cùng phối hợp”, ông Hoan nhấn mạnh.
Dự án Thảo Điền Sapphire có diện tích 27.018,4m2, gồm 30 căn biệt thự cao 3 tầng, không kể tầng lửng tại tầng trệt và tầng hầm. Giá bán các căn biệt thự tại đây dao động từ 45 - 100 tỉ đồng/căn.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần TDS đã sai phạm khi xây dựng tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích vi phạm 1.396,64m2. Địa điểm vi phạm là thửa đất số 301, tờ bản đồ số 16 thuộc phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra và quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án. Mức phạt dành cho vi phạm này là 1 tỉ đồng. Đây là mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm trong hoạt động xây dựng và cũng là mức phạt hành chính cao nhất trong hoạt động xây dựng từ trước đến nay tại TP.HCM.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng quyết định đình chỉ thi công toàn bộ công trình vi phạm cho đến khi TDS chấp hành đầy đủ và toàn bộ nội dung quyết định xử phạt đã nêu và có xác nhận của Đội thanh tra địa bàn quận 2. Ngoài ra, thành phố cũng buộc TDS tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo, đại diện Sở Xây dựng nói rằng cho đến nay Công ty cổ phần TDS vẫn chưa thực hiện tháo dỡ phần vi phạm xây dựng.
Lý do nhà đầu tư Dubai rút khỏi dự án Bình Quới – Thanh Đa
Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi của báo chí về lý do Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) xin rút khỏi dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nói rằng nhà đầu tư này cần đất sạch, đơn giá đất cụ thể. Tuy nhiên, thành phố lại chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Nguyên nhân là do một miếng đất muốn hình thành, định giá thì cần phải nhiều thủ tục, thế nên ông Sử Ngọc Anh nói rằng trong quá trình đàm phán, nhà đầu tư này xin rút khỏi dự án. “Dự án lớn thế này không thể làm một sớm một chiều được”, ông Anh nói.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết TP.HCM đang rất khó khăn trong việc giao đất, giải phóng mặt bằng.
“Với các nhà đầu tư nước ngoài, cái khó là phải trả lời câu hỏi khi nào giao đất. Họ có tiền muốn vô đầu tư ngay, muốn biết tổng mức đầu tư, chi phí cụ thể là bao nhiêu. Cái thu hút được nhà đầu tư nước ngoài là nhờ đất sạch. Còn những dự án phải giải phóng mặt bằng là họ rất ngại. Hiện tại, thành phố rất khó khăn trong việc thực hiện vấn đề này.
Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để lựa chọn nhà đầu tư. Quan điểm của thành phố là chọn nhà đầu tư cũ vì nếu làm lại thì mất ít nhất 5 năm nữa, mọi thủ tục phải quay lại ban đầu”, ông Hoan nhận định.
UBND TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị cho phép Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Theo ông Hoan, quan điểm của TP.HCM là sẽ tiếp tục triển khai dự án khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa để tạo điều kiện cho người dân ở khu vực này. Đồng thời, thành phố cũng có một khu đô thị khang trang hiện đại, phục vụ cho người dân tại chỗ, vừa phục vụ cho nhà đầu tư.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, TP.HCM giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên dự án này vẫn giậm chân tại chỗ.Đến năm 2010, TP.HCM quyết định thu hồi, sau đó giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2000).
Đến cuối tháng 11.2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa trên diện tích 427ha với tổng vốn khoảng 30.700 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.
Tuy nhiên, mới đây, Công ty Emaar Properties PJSC đã xin rút khỏi dự án nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể tiến hành.
Phan Diệu