Mỹ báo động về sự gia tăng số lượng trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai bẩm sinh

Thông tin Y học - Ngày đăng : 06:38, 26/07/2017

Giang mai, căn bệnh đã được phát hiện từ 500 năm trước và gần như đã được xóa sổ ở Mỹ, nay đã trở lại với một tỷ lệ báo động ở trẻ sơ sinh. Rất đau lòng khi phải chứng kiến những đứa trẻ vừa chào đời đã mắc bệnh giang mai với những biến chứng khôn lường.

Trong thời gian từ 2012 đến 2015, tỷ lệ bệnh giang mai bẩm sinh đã tăng 46%, từ 334 lên 487 ca, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Nếu như con số thống kê cao nhất của năm 2001 là 12,4 ca bệnh giang mai bẩm sinh trên 100.000 trẻ sơ sinh, thì đến năm 2015, con số đó đã lên đến 83,9 ca/100.000 trẻ sơ sinh ở bang Louisiana. Tiếp theo là các bang California (28,5 ca/100.000 trẻ sơ sinh), Maryland (25 ca/100.000 trẻ sơ sinh)…

Giang mai là bệnh rất dễ lây nhiễm, do vi khuẩn hình xoắn ốc Treponema pallidum gây ra và lây lan qua quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh có thể truyền từ người mẹ bị nhiễm giang mai sang thai nhi thông qua dây rốn hoặc nước ối.

Giang mai có thể điều trị dễ dàng với penicillin, một loại thuốc đã được tìm ra từ những năm 1940. Với một liều tiêm cho mẹ ngay sau khi được chẩn đoán và trong vòng 30 ngày sau khi sinh, thì trong hầu hết trường hợp có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho cả mẹ và con. Nếu đứa trẻ sinh ra bị giang mai bẩm sinh, các bác sĩ có thể điều trị bằng một đợt kháng sinh 10 ngày hoặc bằng 1 liều tiêm.

Triệu chứng giang mai bẩm sinh thường gặp: Trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng, cân nặng thấp hơn 2,5 kg. Trên da có nhiều bọng nước lớn, khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân; nhiều khe nứt ở miệng, hậu môn; sổ mũi, mủ và máu do loét các xương sụn ở mũi; loét họng làm tiếng trẻ khóc khàn trầm lạ tai; có nhiều hồng ban và sần ngoài da.

Còn có những tổn thương khác như: Xương khớp - gặp trong 80% các tổn thương giang mai bẩm sinh -, viêm xương sụn vào tháng thứ 2 - 3 sau sinh; gan to và xơ hóa, lách to, viêm thận, viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm dây thần kinh thị giác, thiếu máu.

Nghiên cứu của CDC cho thấy trong số 458 bà mẹ của những trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai trong năm 2014, có 100 người không khám thai trước khi sinh, và 44 người không nhận được thông tin về căn bệnh này.

Bác sĩ Sarah Kidd, chuyên gia dịch tễ học của CDC, phân tích: “Một khi chúng ta bỏ lỡ cơ hội để kiểm tra và điều trị những bệnh lây lan qua đường tình dục (STD) cho những phụ nữ mang thai, thì hậu quả - chẳng hạn như trẻ mới sinh đã mắc bệnh giang mai - sẽ khôn lường”.

CDC khuyên tất cả phụ nữ mang thai làm xét nghiệm bệnh giang mai (cũng như HIV và viêm gan B) trong lần khám thai đầu tiên. Những người sống trong vùng có nguy cơ cao - chẳng hạn như Central Valley ở California - thì cần kiểm tra thêm lần nữa ở tuần thứ 28 của thai kỳ.

Sau khi điều trị bệnh giang mai, phụ nữ vẫn có thể tái nhiễm nên họ phải đảm bảo sẽ tiếp tục kiểm tra định kỳ

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh giang mai là những vết loét không đau ở bên ngoài bộ phận sinh dục, hậu môn, hay trực tràng. Vết loét cũng có thể xuất hiện trên môi và trong miệng. Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp chẳng có triệu chứng gì, đặc biệt là ở phụ nữ. Những người mắc bệnh mà không có triệu chứng nênkhông biết rằng họ đã mang bệnh và có thể lây truyền nó cho những người khác.

Kháng sinh có thể ngăn chặn bệnh, nhưng nó không thể đảo ngược những thiệt hại gây ra cho đứa trẻ trước khi chào đời.Theo CDC, nếu không được điều trị, 40% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh sẽ chết non hoặc chết vì nhiễm khuẩn sau khi sinh. Những đứa trẻ sống sót có thể bị tê liệt suốt đời, mất thính giác, mù mắt, xương biến dạng, và tổn thương não.

Các chuyên gia y tế công cộng Mỹ đổ lỗi cho thiếu giáo dục, đói nghèo, và tình trạng sử dụng ma túy ở gái mại dâm đã tạo điều kiệncho bệnh giang mai bẩm sinh quay trở lại.

Thực tế thì giang mai hầu như đã biến mất ở Mỹ hồi năm 2000. Thế nhưng sau đợt suy thoái năm 2008, ước tính khoảng 69% chương trình phòng ngừa STD của bị cắt ngân sách, còn số lượng phòng khám giảm 10%, theo khảo sát năm 2009 của Liên minh toàn quốc các Giám đốc STD. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục giới tính cũng giảm hẳn trên cả nước Mỹ.

Jeffrey D. Klausner, giáo sư y khoa và y tế công cộng tại Trường Y khoa David Geffen của UCLA, nói: “Giang mai bẩm sinh là một trong những bệnh có thể ngăn ngừa hiệu quả nhất, nên việc bệnh gia tăng mạnh là một dấu hiệu cảnh báo sớm cho hệ thống y tế công cộng của chúng ta”.

Trần Ngọc (Theo WebMD)

Tố Loan