Bão số 4 gây lốc xoáy làm 2 người bị thương, 65 ngôi nhà tốc mái

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:01, 25/07/2017

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, một trận lốc xoáy xảy ra trên địa bàn xã Đức Dũng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) gây tốc mái hàng chục mái nhà và hư hỏng nhiều công trình.
                    

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đức Thọ, trận lốc xoáy xảy ra vào khoảng 11 giờ 30 ngày 25.7 khiến 2 người bị thương là ông Võ Long (SN 1966) và bà Trần Thị Hường (SN 1988) cùng ở thôn Ngoại Xuân.

Về tài sản, có 65 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 62 hộ bị tốc mái nhà 30 - 60%, 3 hộ bị tốc mái hoàn toàn. Ngoài ra, có nhiều công trình phụ trợ, chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, hư hỏng.

Có 2 trường học bị tốc mái, trong đó trường mầm non xã bị tốc toàn bộ mái che phía trước; trường tiểu học xã bị tốc toàn bộ mái và phần gỗ mái của 3 gian nhà; bưu điện văn hóa xã bị tốc hoàn toàn mái, 2 cột và 4.000 m dây truyền thanh bị đứt.

Sau khi trận lốc xoáy xảy ra, chính quyền địa phương đã đến động viên, thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống sản xuất.

Quảng Trị cẩn trọng, Huế lo lũ về sau bão

Chiều nay 25.7, cơn bão số 4 đã đi qua các tỉnh bắc miền Trung nằm trong tâm bão theo dự báo là nam Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Tuy nhiên, với sức gió không quá mạnh, nhiều nơi thậm chí không cảm nhận được bão đã “đổ bộ” vào đất liền hay chưa. Tại Quảng Trị, nhiều bà con ngư dân vùng ven biển đã “thở phào” sau khi “cơn bão” chỉ bằng một cơn gió mạnh diễn ra trong khoảng 14 đến 15 giờ chiều 25.7. Dù cơn bão làm một số nhà dân tốc mái, một số ít cây xanh ngã đổ nhưng nhìn chung không ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, người dân Quảng Trị hiện vẫn cẩn trọng phòng chống lũ, nhất là khi dự báo có đợt mưa lớn.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, từ chiều 24 đến chiều 25.7 tỉnh này xảy các đợt mưa lớn với lượng mưa ước khoảng 200mm. Ngoại trừ một số tuyến đường bị ngập cục bộ, mưa lớn kèm theo đại dự án cải thiện môi trường nước ở TP.Huế ngổn ngang khiến việc thoát nước bức bách. Theo đó, nhiều tuyến đường bị đào bới trở nên nguy hiểm về giao thông sau khi ngập nước. Trước tình hình này, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã đôn đốc các đơn vị thi công có phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Mưa lớn gây ngập lụt ở Huế

Ngày 25.7, ban này cũng tiếp tục phát công điện đến các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó nhấn mạnh việc rà soát và chuẩn bị các phương án di dời dân ở những vùng xung yếu, nhất là những vùng nguy cơ có lũ quét, sạt lở đất khi mà dự báo sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng, kéo dài đến ngày 27.7 với lượng mưa từ khoảng 200mm, có nơi 300mm toàn đợt. Báo cáo nhanh của ban này cho hay tình hình các hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi trên địa bàn đều an toàn, mực nước các hồ khoảng 70 – 80% dung tích thiết kế; Ban chỉ huy PCLB và TLCN tỉnh đề nghị các chủ hồ thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ đập đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập và cho cả vùng hạ du. Do mưa lớn vùng nội đồng nên đã có hơn 2.200 ha lúa chuẩn bị làm đòng bị ngập úng, hiện các địa phương đang tích cực đấu úng cứu lúa.

Quang Cường - Nhật Lam

            

Lê Đình Dũng