Chuyện người anh hùng liệt sĩ đất cảng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (phần 2)

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:27, 27/07/2017

Trong chuyến công tác tại tuyến lửa khu 4 cuối năm 1968, trên con đường ác liệt 15A, gần tọa độ lửa Truông Bồn, lúc anh áp sát quả bom từ trường loại hiện đại nhất, mới nhất mà Mỹ vừa đưa vào sử dụng để phá nó thì bất ngờ nó phát nổ, thân thể anh và đồng đội Lương Văn Tín tan vào bụi đất, anh ra đi khi vừa qua tuổi 27 đẹp đẽ có 4 ngày.

Liệt sĩ anh hùng Hoàng Kim Giao là anh ruột một người bạn tôi, chị Hoàng Liên Thái - giáo viên ở TP.Hải Phòng. Anh Giao còn có 2 người em gái khác là chị Kết (hiện ở TP.HCM), tôi đã đến chơi nhà, chị cho xem những lá thư rất xúc động của anh Giao, tôi xin phép chị cho trích công bố những kỷ vật quý báu này; người em gái kia là chị Hợp cũng rất xinh đẹp, học trước tôi một lớp. Hồi năm 1964, cuộc sơ tán tránh máy bay Mỹ lần thứ nhất, mấy mẹ con chị Thái về ở làng Trà Phương quê tôi, tôi có nhìn thấy anh Giao đôi lần tại sân kho HTX.

Tưởng cũng nên nhắc lại chút ít về anh Giao trước khi cùng nhau đọc những lá thư đậm tình người, tình yêu nước, chất chứa bóng dáng lịch sử và âm vang thời đại. Hoàng Kim Giao cùng lứa tuổi với nhà thơ Phạm Tiến Duật, sinh năm 1941. Anh đã tốt nghiệp hai trường: Đại học Tổng hợp và Đại học Bách khoa Hà Nội, là một sĩ quan trẻ giỏi giang đầy triển vọng của Cục Nghiên cứu kỹ thuật (nay là Viện Kỹ thuật quân sự), Bộ Quốc phòng. Như bài đầu chúng tôi đã giới thiệu, anh là một thành viên trong nhóm tác giả công trình nghiên cứu chống phá thủy lôi và bom từ trường, được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996). Trong chuyến công tác tại tuyến lửa khu 4 cuối năm 1968, trên con đường ác liệt 15A, gần tọa độ lửa Truông Bồn, lúc anh áp sátquả bom từ trường loại hiện đại nhất, mới nhất màMỹ vừa đưa vào sử dụng để phá nó thì bất ngờ nó phát nổ, thân thể anh và đồng đội Lương Văn Tín tan vào bụi đất, anh ra đi khi vừa qua tuổi 27 đẹp đẽ có 4 ngày.

NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN

Chị Kết lật giở những lá thư anh trai gửi cho chị và gia đình. Tôi thầm cảm phục cô em gái của người anh hùng. Hầu như thư nào anh Giao gửi chị, gia đình (bố mẹ, vợ, các em) cũng đều được chị gìn giữ rất cẩn thận, giờ lại càng nâng niu quý trọng như những báu vật. Thư tín thời chiến tranh, đâu phải chỉ thư tình, trải qua bao tao loạn, vật đổi sao dời, vẫn nguyên vẹn thế kia thì quý lắm. Người viết có tình (đương nhiên rồi) và người lưu giữ cũng phải dạng cực kỳ cẩn thận, chan chứa tình cảm. Tôi biết điều này cũng một phần do hồi phổ thông tôi là bạn học cùng chị Hoàng Liên Thái. Cả hai chị Kết, Thái cũng như nhiều đồng đội khác sát cánh bên anh Giao suốt bao năm, kể cả hồi khó khăn cơ cực nhất, chăm chút giữ gìn từng tí kỷ vật của người đã khuất, và cuối cùng sự công phu ấy đã được đáp đền. Chứ sao. Bởi tôi thấy cần nhắc lại điều, sau nhiều năm mòn mỏi chờ sự đánh giá xứng đáng cho con trai trong vô vọng, hai cụ thân sinh anh Giao (đều lão thành cách mạng) khuất núi đem theo niềm hy vọng hay tuyệt vọng gì đó tôi không rõ. Cụ Hoàng Văn Luận thân sinh anh Giao từng là Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP.Hải Phòng, sau làm Giám đốc Nhà máy cơ khí Duyên Hải. Những ai sống ở miền Bắc hồi đầu thập niên 1960 đều biết câu đúc kết những điển hình mẫu cho phong trào “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội": Trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất, sóng Duyên Hải, gió Đại Phong(Bắc Lý là trường cấp 2 ở tỉnh Hà Nam, điển hình cho giáo dục), Ba Nhất là phong trào thi đua trong quân đội (quân sự), Duyên Hải là Nhà máy cơ khí Duyên Hải (công nghiệp), Đại Phong là hợp tác xã ở tỉnh Quảng Bình (nông nghiệp). Cụ Luận đã không được biết những gì xảy ra sau đó với hồn phách đứa con trai yêu quý của mình. Chính những người em gái và đồng đội của anh Giao đã góp công lớn trong việc trả lại cho anh điều anh xứng đáng nhận, cao hơn nữa là sự tưởng nhớ, biết ơn của dân tộc, nhân dân với người hy sinh vì đất nước.

Anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao (1941-1968) - Ảnh: Tư liệugia đình

Chàng thanh niên tuổi ngoài đôi mươi Hoàng Kim Giao đã viết gì? Trên những tờ giấy pơ luya mỏng manh, hoặc giấy xé vội ra từ cuốn sổ công tác mà tôi có vinh hạnh cầm trên tay hôm ghé thăm nhà chị Kết, anh đã bộc bạch hết nỗi lòng mình, người trai thời loạn. Có lúc buồn vì sự xa vắng, nhớ nhung; lúc dằn vặt bởi việc gì đó chưa hài lòng; lúc khao khát cả những điều bình thường nhất… nhưng ôm trùm trong những trang giấy, phía sau nét chữ nghiêng mực xanh Cửu Long hoặc Hồng Hà kia là tình cảm yêu thương vô bờ bến, sự trải lòng chân thật, những suy nghĩ trong sáng về lý tưởng, hạnh phúc, niềm vui, sự cống hiến, sự hy sinh. Đọc thư Hoàng Kim Giao, ta thêm hiểu rằng thời chiến tranh tưởng đã xa ngái ấy, đất nước có biết bao người con đáng quý, cao đẹp biết chừng nào.

BỐ MẸ, EM, TÌNH YÊU VÀ TỔ QUỐC

Lá thư đầu tiên chị Kết đưa tôi xem là thư anh Hoàng Kim Giao gửi về cho bố mẹ (theo cách gọi của gia đình là cậu mợ). Bố anh, vị Tham mưu trưởng đầu tiên của Thành đội Hải Phòng ấy, chính tôi cũng đôi lần nhìn thấy ông khi hai bác về thăm lũ con nơi sơ tán ở làng Trà Phương quê tôi. Kính nhi viễn chi thôi bởi lúc đó họ là nhân vật vĩ đại lắm. Cầm những lá thư trên tay, nhưng chả hiểu sao tôi lại chăm chú vào bức thư anh trai gửi cô em gái đang học đại học ngành dệt ở Triều Tiên, có gì đó cứ lôi mắt tôi theo từng chữ từng dòng. Anh Giao viết:

“…Hôm nay 25.11 âm lịch rồi, trong nước mới là những ngày lạnh đầu năm. Năm nay rét đến chậm, còn chỗ em học tập có lẽ đã có tuyết rồi em nhỉ. Lần đầu thấy tuyết em có vui không? Mới là những ngày rét đầu tiên nhưng ở miền Bắc rét lắm. Ước gì đừng có mùa rét thì tốt biết bao. Bởi sẽ có nhiều gia đình nghèo bị rét lắm, cảnh các gia đình sơ tán, quần áo thiếu thốn, những ngày rét buốt này, các em nhỏ phải sống xa gia đình trong những khu rừng heo hút hoặc ở tạm những nơi sơ tán cái rét càng rét hơn”.

Đọc đến đây, thú thực tôi bất giác thấy ớn lạnh, như có luồng gió buốt chạy dọc sống lưng. Có thể một phần tôi đã sống qua chính những ngày đó khi đã hơn 10 tuổi, nhưng cũng có thể do cái cảm giác đã lâu, lâu lắm mình không gặp được mẫu người sống quên mình chỉ nghĩ đến người khác, mà hồi ấy người như anh Giao thì sẵn vô cùng. Họ đúng là anh bộ đội cụ Hồ truyền thống, lớp thanh niên tiêu biểu của thời đại đánh giặc. Yêu thương và khâm phục các anh. Đoạn tiếp theo lá thư nói rõ điều ấy:

Năm nay do chiến tranh thiếu thốn các anh bộ đội không có chăn bông nữa mà đắp bằng chăn dạ Nam Định mỏng. Anh đã nằm thử tấm chăn đó, rét lắm em ạ. Các bạn của em trong nước cũng vậy. Hãy suy nghĩ về những điều đó, suy nghĩ không phải rồi để tự trách móc mình, sao mình không được chịu thay cho mọi người những khó khăn đó. Không dễ gì ai cho em chịu thay đâu”.

Là một sĩ quan trẻ được học hành bài bản, có trình độ cao, hiểu biết sâu sắc về cuộc chiến đấu ác liệt mà dân tộc đang trải qua, anh Hoàng Kim Giao có lúc tiên cảm khá rõ kết cục cá nhân với sự bình tĩnh, bình thản đáng khâm phục. Trong nhiều lá thư cho vợ (chị Nguyễn Thị Lan), cho em gái (chị Kết, chị Thái) anh từng nhắc đi nhắc lại điều “Ngày tháng qua đi, có lẽ không bao giờ anh còn được ăn tết với gia đình nữa, không bao giờ được gặp em nữa. Nhưng dù cho ngày tháng trôi qua và dù khói lửa của chiến tranh có tàn phá gia đình ta, dù anh có thể không bao giờ gặp lại em, thì hình ảnh em với ngọn lửa ấm áp của đêm giao thừa không bao giờ mờ nhạt, giá lạnh trong anh. Chiến tranh sẽ còn khốc liệt và “càng về sáng, trời càng lạnh” nhưng dù trong trường hợp nào anh cũng sẽ vì nguồn vui, vì hạnh phúc của mọi gia đình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” (thư viết ngày 22.12.1965, gửi em gái Kết).

Làm trai thời loạn, Hoàng Kim Giao đã xác định hạnh phúc của mỗi cá nhân không thể tách rời cuộc chiến đấu của dân tộc. Anh yêu chị Lan và cả hai xây đắp một tình yêu rất đẹp. Cưới nhau rồi vẫn cảnh vợ chồng ngâu, anh vẫn đi biền biệt, rong ruổi trên những cung đường khu 4 để săn đuổi bom thù, tìm ra cách chống lại chúng hiệu quả nhất. Đến khi anh hy sinh, anh chị vẫn chưa kịp có con, nhẩm tính lại thời gian hai vợ chồng bên nhau chỉ chốc nhát ngắn ngủi. Chị Hoàng Liên Thái em gái anh kể lại: Năm 1967 chị Lan học đại học, trường sơ tán về Hưng Yên, ở nhà dân. Tranh thủ ngày nghỉ, anh đạp xe từ Hà Nội đến thăm vợ. Đêm nghỉ ở Hưng Yên, do một số phong tục tập quán của người địa phương nên anh phải ngủ nhờ giường anh lớp trưởng. Còn chị đêm ấy cũng trằn trọc nằm bên người bạn gái cùng lớp chứ không phải bên chồng. Chuyện thật mà ngỡ như đùa. Lại có lần khác, tranh thủ đơn vị cho nghỉ vài tiếng đồng hồ khi vợ lên thăm (chị Lan phải đạp xe mấy chục cây số), anh mướn một phòng nghỉ trên đường Phùng Hưng. Vợ chồng gặp nhau chưa kịp hàn huyên thì còi báo động hú vang, máy bay Mỹ đã réo trên đầu, anh phải vội chia tay trở về đơn vị, chị Lan lại một mình với chiếc xe đạp trở về trên đường đê Văn Giang vắng lặng, đi suốt đêm, gần sáng mới tới trường. Kể đến đó, chị Thái bùi ngùi kết luận: chiến tranh đã làm chao đảo bao nhiêu số phận, trong đó có anh chị tôi.

Những lá thư anh Giao gửi chị Lan, kể cả khi đang yêu nhau lẫn khi đã cưới luôn thấm đẫm tình yêu thời chiến. Anh yêu chị nồng nàn, bằng tình yêu của người chiến sĩ. Tôi lẩn mẩn giở lá thư anh đề nắn nót ngày viết là 14.9.1967 gửi về từ tuyến lửa khu 4: “Em thân yêu. Đi không kịp nói gì với em, không ngờ chúng ta lại phải xa nhau. Ngày đêm mong tin em, càng xa em càng thấy nhớ thương em. Càng khó khăn gian khổ, anh càng thấy quý trọng những ngày tháng gần nhau. Anh tin rằng dù xa nhau rất lâu chúng ta cũng không để mất mát gì. Ngược lại, tình cảm yêu thương của chúng ta sẽ lớn lên theo ngày tháng, và ngày sum họp với tình yêu đã được tháng ngày tôi luyện. Chúng ta sẽ bù đắp lại được tất cả, phải không em. Anh nghĩ nhiều đến ngày sum họp, những đêm khuya anh chợt rùng mình thấy ớn lạnh sống lưng. Khi đó, ý nghĩ duy nhất để sưởi nóng trái tim anh là tình yêu quê hương, gia đình và em. Đừng buồn và đừng khóc em nhé. Lúc nào anh cũng ở bên em, anh mong rằng mỗi bước anh đi không bao giờ anh nghe thấy tiếng em khóc. Những giọt nước mắt yêu thương dành để cho lúc gặp nhau”. Đọc những dòng này, tôi chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nam Hà (còn có bút danh Nguyễn Thành Vân):Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt. Thời đó, thanh niên đã sống và yêu nhau như thế đấy, không phải chỉ đơn lẻ anh Giao, hoặc những người nhà văn Nam Hà gặp gỡ mà là hàng triệu, hàng triệu bạn trẻ. Tất cả đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc thật tự nguyện, sáng trong.

LÁ THƯ CUỐI CÙNG

Chị Kết cho tôi xem lá thư cuối cùng của anh Hoàng Kim Giao. Đó là bức thư khá dài anh viết gửi bố mẹ đề ngày 10.11.1968 (anh Giao hy sinh ngày 29.12.1968). Thời điểm này (lúc viết thư) được coi là đỉnh điểm của sự ác liệt trong cuộc chiến đấu chống lại bọn giặc trời Mỹ. Nên biết rằng tuy tổng thống Mỹ L.Johnson ngày 1.11.1968 tuyên bố ngưng ném bom hoàn toàn miền Bắc nhưng sau chấm mốc thời gian đó trên những ngả đường khu 4 vẫn dày đặc bom nổ chậm, nhất là bom từ trường. Tuyến đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình còn nhiều gián đoạn. Từ cuối tháng 9, anh Hoàng Kim Giao đã được Cục Nghiên cứu kỹ thuật phân công dẫn đầu một đoàn đông đảo cán bộ chiến sĩ của Cục vào thực địa, vừa phá bom, vừa nghiên cứu những loại vũ khí mới nhất mà kẻ thù mới tung ra để tìm cách vô hiệu chúng. Nói như nhà thơ Phạm Tiến Duật - người lăn lộn bám trụ Trường Sơn và vùng đất Nghệ Tĩnh nóng bỏng này suốt bao năm, đã viết cho chị Hoàng Liên Thái trong một lá thư khi ông còn sống, rằng “công việc khoa học của sĩ quan trẻ Hoàng Kim Giao thuộc loại khó nhất lúc bấy giờ: chống lại khoa học kỹ thuật siêu cường của Mỹ và một số nước khác”. Theo tổng kết của Viện Kỹ thuật quân sự (hậu thân của Cục Nghiên cứu kỹ thuật), liệt sĩ Hoàng Kim Giao không chỉ trực tiếp phá 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 42 quả bom từ trường hiện đại, mà còn đóng góp rất quan trọng vào việc nghiên cứu, thực hiện thành công đề tài khoa học ngay giữa chiến trường đầy bom đạn.

Lại quay về với lá thư cuối cùng. Thư rằng: “Cậu mợ kính yêu. Cùng đi với con còn có 5 đồng chí chiến sĩ nữa. Đi để thu thập chiến lợi phẩm và phá bom nổ chậm. Ở đây có những quãng chỉ 2km mà địch trút xuống 5.000 quả bom. Có những lúc chúng con phải phá bom mở đường ở các trọng điểm đánh phá trên bộ, dưới làn bom đạn dày đặc của máy bay Mỹ. Bị sức ép nhiều lần, anh em thương vong gần hết, nhưng con của cậu mợ vẫn vững vàng tổ chức các đồng chí đảng viên gan dạ nhất phá sạch bom đạn giặc, cho xe thông đúng 12 giờ kể từ sau lệnh ngừng bắn… Dù đứng giữa bãi bom của địch, hay dưới làn mưa đạn máy bay, con của cậu mợ vẫn vững vàng tiến lên phía trước. Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Cậu mợ và các em con có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ? Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình, và con ước mơ ngày về gặp mặt cậu mợ và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình. Ngày ấy nhất định sẽ tới”.

Câu kết lá thư gửi cho bố mẹ, dường như anh viết trong nỗi dùng dằng, báo hiệu một điều gì đó mà anh chả tiện nói ra, dễ làm phiền lòng song thân: “Thôi, con sắp phải đi rồi…”. Sau dấu 3 chấm ấy là cõi vô biên, anh đã lường trước được như vậy chăng?

Đọc đến đó, mắt tôi nhòe đi. Anh, người sĩ quan trẻ tài năng, tâm hồn tràn ngập yêu thương đã ra đi ở tuổi 27 căng tràn nhựa sống, tan biến vào đất đai, cỏ cây đất nước. Nhớ hômbạn tôi, nhà báo Xuân Ba đi Truông Bồn viếng mộ 13 nữ TNXP, tôi gọi điện định nhờ anh ráng rướn vài bước chân ghé qua thắp giùm nén nhang trên mộ anh Giao cách đó vài trăm mét nhưng không liên lạc được, cứ tiếc mãi. Sau thì biết cũng không cần phải vậy bởi chính quyền tỉnh Nghệ An và đồng đội anh đã quyết định thờ anh trong khu di tích Truông Bồn. Trong đó có cả tượng đồng anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao.

Để có nền hòa bình, độc lập tự do hôm nay, cái giá phải trả quá đắt, mà đắt nhất là chúng ta vĩnh viễn mất đi những con người cao đẹp, tài hoa như thế. Tự dưng trong tôi dậy niềm khao khát, mong sao TP.Hải Phòng sớm có con đường mang tên anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Thành phố cảng đã mở rộng hơn thời cụ Luận, anh Giao còn sống rất nhiều, biết bao con đường mới đã mở, tại sao vẫn chưa có con đường mang tên người anh hùng của quê hương nhỉ?

Nguyễn Thông

Nguyễn Thông