7 dự án BT, BOT nghìn tỉ tại Hà Nội sai phạm ra sao?
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 13:55, 21/07/2017
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP.Hà Nội, trong đó tập trung kiểm tra các dự án về giao thông, môi trường, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
Dự án Nhà máy nước Yên Sở: Dự án được khởi công xây dựng khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tại thời điểm ký hợp đồng BT; chưa có đầy đủ cơ sở về hồ sơ, tài liệu theo quy định để xem xét quyết toán đối với một số hạng mục chi phí (chi phí lãi vay, chi phí luật, chi phí luật chung...) theo đề nghị của nhà đầu tư.
Trong điều kiện bình thường, chất lượng nước thải sau xử lý không đạt theo yêu cầu của hợp đồng BT. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu Công viên Yên Sở, các khu đô thị C1, C2 chưa được Công ty Gamuda Việt Nam tiến hành qua nước thu gom xử lý theo quy định.
Giá trị thực hiện nạo vét và đề nghị quyết toán vào giá trị dự án theo báo cáo của chủ đầu tư là 9,8 triệu USD nhưng không có hồ sơ, tài liệu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra; kéo dài thời gian hoàn thành dự án do công tác thi công khiến tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng hơn 11,5 triệu USD…
Việc lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định của Nhà nước còn hạn chế và được thực hiện trong quá trình thi công nhà máy. Việc nhà đầu tư ký hợp đồng EPC và tổng thầu EPC đã thực hiện thi công xây dựng từ đầu tháng 1.2009 theo hồ sơ thiết kế chưa được các cơ quan chức năng thẩm định, thẩm tra, thể hiện việc thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan khác có liên quan thuộc UBND TP Hà Nội. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các khuyết điểm, sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương: Chậm tiến độ theo điều khoản hợp đồng BT đã ký, không đáp ứng được yêu cầu sự cần thiết của dự án. Nhà đầu tư vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng khi chưa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt; Tính tăng sai chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là hơn 11,2 tỉ đồng.
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,5 tỉ đồng.
Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An: Công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng, làm tăng số tiền hơn 12 tỉ đồng; Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền hơn 15 tỉ đồng.
Tại dự án này, phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại VietinBank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 15.5.2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt. Việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài: Thi công cọc và sàn giảm tải, tường chắn môcầu vượt Sông Nhuệ, phát sinh do tăng mật độ cọc là gần 8 tỉ đồng, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận về kỹ thuật, không đúng với quy định về quản lý dự án đầu tư. Chi phí giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di chuyển đường điện 0,4kv, điện nước phục vụ các hộ dân tái định cư, chi phí đo đạc khảo sát... phát sinh với giá trị hơn 7,7 tỉđồng. Trong đó, giá trị khối lượng thực hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa được xác nhận theo quy định, do vậy, chưa đủ điều kiện để quyết toán đối với khối lượng này.
Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở dẫn đến xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỉ đồng.
Nghiêm trọng hơn, nhà đầu tư không cung cấp tài liệu, có biểu hiện chống đối hoạt động thanh tra.
UBND TP.Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định của hợp đồng BT đã ký kết. Nhà đầu tư đã chiếm dụng ngân sách nhà nướctrong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào ngân sách nhà nước là 510,12 tỉđồng (tại thời điểm tháng 4.2008). Các cơ quan có thẩm quyền thuộc UBND TP Hà Nội có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện việc thu, nộp tiền theo quy định.
Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên: Số tiền hơn 18,7 tỉ đồng tiền trả lãi vay của các khoản vay để đảo nợ không được dùng vàomục đích đầu tư dự án BT, không đủ cơ sở để tính vào giá trị quyết toán công trình. Việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo quy định, dẫn đến phát sinh tăng khoản chi phí của dự án (tiền lãi vay ngân hàng nhà đầu tư phải nộp).
Dự án giao thông Long Biên:Sau khi tính toán lại, chi phí vận chuyển dầm thép theo thực tế, giá trị giảm hơn 2,9 tỉ đồng.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lývề kinh tế khoản tiền hơn 1.600 tỉ đồng và gần 38 triệu USD và xử lý trách nhiệm của lãnh đạo Hà Nội. Đồng thời kiến nghị giảm trừ quyết toán 1,339 triệu USD đối với phát sinh lãi vay sau ngày 8.11.2012 và xem xét hàng loạt chi phí, dự toánkhác như phí bồi thường đất, phí luật chung…tại dự án nhà máy nước thải Yên Sở.
Bên cạnh đó, yêu cầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) nộp ngay vào ngân sách Nhà nước 1.428 tỉ đồng ở dự án đường trục nam Hà Tây cũ; đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở ngành có liên quan xem xét, đánh giá toàn bộ năng lực tài chính của nhà đầu tư để quyết định việc tiếp tục triển khai, thực hiện và hoàn thành dự án BT.
Cùng với đó, yêu cầu Công ty cổ phần Tasco giảm trừ tổng mức đầu tư hơn 19,5 tỉ đồng; yêu cầu nhà đầu tư tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước hơn 11,2 tỉ đồng do áp sai suất vốn đầu tư tại dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; giảm trừ tổng mức đầu tư và loại khỏi danh mục quyết toán gần 100 tỉ đồng tại các dự án khác như đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, nút giao thông trung tâm quận Long Biên…
Hoài Phong