Vụ tàu vỏ thép: Công ty Đại Dương không ngại bị kiện
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:42, 17/07/2017
Liên quan đến việc tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Duy Muộn (Sầm Sơn – Thanh Hóa) đóng theo Nghị định 67 nhiều lần hỏng hóc, UBND TP. Sầm Sơn đã phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức cuộc họp với ngư dân và đơn vị đóng tàu là Công ty cổ phần Đại Dương (có trụ sở đóng tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) để giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, sau khi cuộc họp diễn ramọi thứ vẫn không tiến triển và 2 bên vẫn không thống nhất được với nhau về việc khắc phục, dù Công ty Đai Dương đã đồng ý hỗ trợ ngư dân khắc phục hư hỏng và ngày 10.7 các bên phải báo cáo cụ thể.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Duy Muộn cho biết đã nhiều ngày sau cuộc họp, Công ty Đại Dương vẫn chưa tiếp xúc với ông để thống nhất phương án đền bù.
“Nếu Công ty Đại Dương vẫn không gặp chúng tôi để thảo luận việc đền bù thì chúng tôi sẽ kiện ra tòa”.
Nói với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ông Đỗ Quang Dương, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Đại Dương cho biết công ty không có trách nhiệm hỗ trợ 600 triệu đồng cho ông Nguyễn Duy Muộn sửa chữa hệ thống điện. Thay vào đó, công ty sẽ hỗ trợ thay mới các chấn lưu, bóng đèn hư hỏng chứ không hỗ trợ bằng tiền mặt.
Vẫn ông Dương nói:“Chúng tôi cũng không trốn tránh trách nhiệm vì đã nhiều lần chúng tôi vào sửa chữa, rồi gửi tiền bảo hành vào. Sau khi hết thời gian bảo hành chúng tôi vẫn hỏi han và hỗ trợ người dân. Chúng tôi cũng làm mọi thứ theo thiết kế chứ không làm sai”.
Về phản ánh máy phát điện của tàu ông Muộn là máy cũ, ông Dương cho biết, một máy mới của Nhật khoảng 3 tỉ, còn 2 máy của ông Muộn chỉ có 1,6 tỉ. Với số tiền như vậy thì chỉ có thể dùng máy cũ, nếu dùng máy mới thì phải phụ thêm tiền và ông Muộn không đồng ý điều này. Máy móc cũng tự tay ông Muộn đi mua.
Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Công ty Đại Dương, trong quá trình khai thác, ông Muộn đã 2 lần yêu cầu công ty bảo dưỡng máy với số tiền hơn 150 triệu đồng. Do đó, Công ty Đại Dương không có trách nhiệm phải thực hiện việc hỗ trợ thêm cho ông Muộn phần máy phát điện.
Về việc ngư dân sẽ kiện, ông Dương cho biết Công ty Đại Dương không ngại điều này. “Công ty chúng tôi cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND TP. Sầm Sơn về sự việc trên”.
Trước đó, theo ông Muộn, tàu cá vừa được đóng mới, đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng thường xuyên, các thiết bị đánh bắt không đảm bảo kỹthuật như: Tời thủy lực, hệ thống thủy lực lái hàn, trục; hệ thống điện lắp không đúng với khái toán được duyệt và thiết kế phù hợp; hai máy phát điện là loại cũ (đáng ra phải đóng mới); chân vịt phải dùng của Nhật Bản nhưng lại dùng loại gia công, lắp không đúng với khái toán; chất lượng sơn xuống cấp nghiêm trọng và gia đình ngư dân đã phải sơn lại toàn bộ; hệ điện lắp không đúng thiết kế khiến bị cháy nổ…
Tính đến hết tháng 5.2017, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt 67 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67. Hiện 46 tàu đã đóng hoàn thành và đang hoạt động, trong đó có 23 tàu vỏ thép còn lại là tàu vỏ gỗ.
Hoài Phong