Dân miền Tây lãnh hậu quả vì đổ xô trồng thanh long ruột đỏ theo… tin đồn
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:21, 14/07/2017
Ruột đỏ "lên ngôi", ruột trắng "thất sủng"
Cuối tháng 6, ông Nguyễn Lữ (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) thu hoạch gần 1 tấn thanh long ruột đỏ trên diện tích 6.000m2. Thế nhưng khi kêu thương lái vào vườn cân trái, họ chỉ trả 13.000 đồng/kg cho 300 kg trái loại 1 đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn trái loại 2 - 3 đồng giá 7.000 đồng/kg.
Ông Lữ than thở: “Lúc đắt hàng giá nào họ cũng mua, có lúc lên đến hơn 50.000 đồng/kg. Thế nhưng nhiều khi chỉ trong 1 ngày, buổi sáng giá cao, buổi chiều thương lái lại mua đại hạ giá. Thương lái nói, giá cả lên xuống thất thường đều do thị trường Trung Quốc quyết định”.
Ông Lữ có 6.000m2 đất trồng thanh long ruột đỏ, mỗi năm canh tác 3 vụ, thu hoạch gần 15 tấn trái. Trước đây ông chỉ trồng thanh long ruột trắng, nhưng thấy thiên hạ ào ào cải tạo vườn trồng thanh long ruột đỏ thì ông Lữ cũng phá sạch cây thanh long ruột trắng để chuyển sang canh tác ruột đỏ.
Ông Lữ kể, từ khi nông dân huyện Chợ Gạo đua nhau phá bỏ thanh long ruột trắng để trồng trái ruột đỏ, ông cảm thấy bất an vì lo thanh long ruột đỏ sẽ lâm cảnh dội chợ, rớt giá như thanh long ruột trắng.
“Tuy nhiên,mỗi lần tui đề cập đến chuyện đó thì mấy ông bạn già trồng thanh long lại cười khà khà, trấn an: 'Lo gì, phía Trung Quốc mua thanh long ruột đỏ để chế biến phẩm màu, nhu cầu rất lớn, không lo ế hàng'. Nhưng khi tui hỏi mấy ổng có thấy tận mắt người Trung Quốc làm phẩm màu từ trái thanh long ruột đỏ hay không thì mấy ổng nói chỉ nghe thương lái thu mua trái thanh long khẳng định như vậy”.
Theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, trong 5.300 ha thanh long thì đang có 4.000 ha cho trái với sản lượng khoảng 120.000 tấn/năm, trong đó có hơn 1.800 ha thanh long ruột đỏ, và diện tích đất trồng loại cây này vẫn đang gia tăng rất nhanh.
Trong khi đó, tại vùng chuyên canh thanh long thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Long An), thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy đến cuối tháng 5.2017, toàn huyện có khoảng 7.500 ha đất trồng thanh long, nhưng đã có hơn 4.200 ha thanh long ruột đỏ và diện tích thanh long ruột trắng đang ngày càng bị thu hẹp.
Nguyên nhân “thanh long ruột đỏ lên ngôi, thanh long ruột trắng thất sủng” là do giá cả thu mua chênh lệch nhiều. Cuối tháng 6, giá thanh long ruột đỏ loại 1 xuất khẩu dao động từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi giá thanh long ruột trắng (loại 1) chỉ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Ngoài việc chênh lệch giá cả, lâu nay tin đồn thanh long ruột đỏ không bao giờ bị ế hàng vì thị trường Trung Quốc mua loại trái này để… chế biến phẩm màu, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, khiến nhà vườn tin sái cổ, đua nhau phá thanh long ruột trắng để trồng ruột đỏ mặc dù… chưa có nông dân nào tận mắt nhìn thấy người Trung Quốc sản xuất phẩm màu từ trái thanh long ruột đỏ.
Cây thanh long ruột đỏ đang là lựa chọn số 1 của nhà vườn ĐBSCL
Và ở các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, nhà nông cũng đều ưu tiên chọn cây thanh long ruột đỏ khi cải tạo vườn để trồng thanh long.
Chỉ là tin đồn chưa được kiểm chứng
Theo ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), người có thâm niên gần chục năm buôn bán thanh long qua thị trường Trung Quốc, ông có nghe tin đồn này nhưng chưa biết Trung Quốc dùng thanh long để chế biến phẩm màu như thế nào và sản phẩm cụ thể ra sao.
Ông Võ Văn Vấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Long An), cũng cho biết có nghe thông tin về việc các nhà khoa học Nhật Bản đang nghiên cứu chiết xuất màu từ trái thanh long ruột đỏ để sản xuất phẩm màu thay thế màu công nghiệp. Nhưng thông tin Trung Quốc sản xuất phẩm màu từ trái thanh long ruột đỏ thì ông không nghe và cũng không thể xác định được là có thật hay không.
“Hiện tại diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện đang gia tăng nhanh, nhưng ngành nông nghiệp không dám đưa ra khuyến cáo nào đối với nhà vườn, vì giá thanh long ruột đỏ đang cao hơn ruột trắng, nên nhà vườn mới ổ ạt trồng”, ông Vấn nói.
Theo ông Vấn, việc ồ ạt phát triển thanh long ruột đỏ rất đáng lo ngại, bởi một khi thị trường có biến động thì khó mà “giải cứu” được.
Nguyên nhân do 80% sản lượng trái thanh long (bao gồm Long An, Tiền Giang, Bình Thuận) đều được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, nên một khi thị trường này quay lưng thì nhà vườn chắc chắn sẽ điêu đứng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hòa - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo - cho biết, toàn huyện có 60 cơ sở thu mua trái thanh long xuất đi Trung Quốc và ông có nghe tin đồn trồng thanh long ruột đỏ để bán cho Trung Quốc làm phẩm màu. Nhưng đây là tin đồn chưa được kiểm chứng, hoàn toàn không có cơ sở.
“Dù giá bán hiện nay khá cao, nhưng trồng thanh long ruột đỏ chi phí nhiều hơn ruột trắng, dễ bị dịch bệnh, năng suất thấp hơn ruột trắng, tỷlệ trái không đạt yêu cầu xuất khẩu rất cao (khoảng 70%), khó bảo quản.
Và quan trọng nhất là loại trái này chỉ dùng ăn tươi, chưa chế biến được thành những sản phẩm giá trị gia tăng chất lượng cao, nên nếu Trung Quốc giảm mua thì sẽ dội chợ ế hàng, rớt giá ngay”, ông Hòa khuyến cáo.
Theo tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, ngoài ăn tươi, trái thanh long còn có thể dùng sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, sấy khô, làm nước uống… Nhưng ông cũng chưa biết thông tin cụ thể về việc Trung Quốc mua thanh long ruột đỏ để sản xuất phẩm màu và hiện nay việc nông dân trồng ồ ạt loại cây này đang rất đáng quan ngại.
“Sản phẩm nào cũng phải tuân theo quy luật cung - cầu, nếu trồng quá nhiều thanh long ruột đỏ, khi nguồn cung tăng cao hơn cầu thì tất nhiên giá sẽ giảm xuống”, ông Thoại nói.
Trong lúc các cơ quan hữu trách đang lo ngại chuyện thanh long ruột đỏ phát triển ồ ạt thì nhà vườn đã ít nhiều hoài nghi về hiệu quả của loại trái đặc sản này.
Nguy cơ "giải cứu" thanh long sắp thành hiện thực
Đáng lo ngại là gần đây mộtthông tin từ ngành Công thương cho thấy phía Trung Quốc đang đẩy mạnh việc trồng cây thanh long để từng bước giảm nguổn cung từ Việt Nam. Cụ thể, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc hiện tại là hơn 35.500 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam.
Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với hơn 10.600 ha, còn lại là các tỉnh Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... và dự kiến diện tích trồng, sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Điều quan trọng nhất là Trung Quốc thu hoạch trái thanh long từ tháng 5 đến tháng 11, gần trùng khớp với mùa thu hoạch thanh long của Việt Nam, nên nguy cơ trái thanh long ruột đỏ trong nước sẽ lâm cảnh “được mùa, rớt giá, cần giải cứu” đã hiển hiện trước mắt.