Săn 'thần dược' quý ông trên vùng Bảy Núi
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:23, 12/07/2017
Xạ thủ săn bắn tắc kè bay
Võ Phước Cần - 21 tuổi (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nổi danh là xạ thủ săn tắc kè bay bằng giàn thun (giàn ná). Cần là con trai út của bà Hai “Tề Thiên” (tên thật là Võ Kim Thao - 47 tuổi).
Bà Thao tự hào kể, ở vùng Bảy Núi này, Cần nổi tiếng với nghề câu, soi cua núi về đêm và săn tắc kè bay. Nói riêng về biệt tài săn tắc kè bay, thì Cần bắn bách phát bách trúng.
Bà Thao quả quyết, Cần bắn riết mà tay nghề cao đến nỗi khó ai ở vùng Bảy Núi sánh kịp. Hễ Cần bắn rơi 20 con tắc kè bay thì có đến 15 con còn sống, phải chọn ngay để bán cho có giá.
Từ năm 11 tuổi, khi mới học lớp 4 là Cần đã đam mê nghề săn tắc kè bay bằng giàn thun. Vì thế mà hết lớp 6 Cần nghỉ học, và hành nghề săn động vật hoang dã này ngót đã 10 năm.
Cần, xạ thủ nạn thun bắn tắc kè bay
Để chứng minh cho lời “quảng cáo” của mẹ mình, 1 ngày nọ Cần dẫn chúng tôi đi săn trên đỉnh Thiên Cấm Sơn (núi Cấm). Trời đứng bóng, trên tay Cần cầm sẵn giàn ná, đi rảo theo vách đá, mắt luôn hướng lên bầu trời tìm kiếm.
Trong khi chúng tôi cố quan sát nhưng chưa kịp phát hiện gì thì Cần đã áp cục đất nhỏ vào giàn ná làm đạn bắn. Theo quan sát của chúng tôi, hôm nay có vẻ Cần bắn hơi tệ. Sau loạt đạn bắn lên gần ngọn cây bình linh rừng, thì mới có 1 con tắc kè bay bằng ngón tay út rơi xuống đất.
Cần cho hay nó đã rơi, nhưng chúng tôi tìm hoài không thấy, vì nó quá bé nhỏ. Tuy nhiên, Cần đến chỗ đống lá cây khô đưa tay khều là lượm con tắc kè bay xấu số ra ngay.
1 con tắc kè bay bám trên thân cây cổ thụ
Đúng như lời bà Thao nói, con tắc kè bị trúng đạn của Cần chỉ buông tay rơi xuống từ cây cao chứ không chết. Cần lượm nó bỏ vào bọc nilon. Cứ thế, chúng tôi săn tắc kè bay luồng dưới những cánh rừng từ vồ Cửu Phẩm sang vồ Thiên Tuế. Mất chừng 1 giờ đồng hồ, Cần bắn hạ được 13 con. Cần đem bán ngay cho 1 người ở gần đó với giá 15.000 đồng/con. Tính ra, Cần đã kiếm được gần 200.000 đồng.
Cần cho hay, ban đầu em không quen chuyện bắn tắc kè bay, nhưng bắn riết rồi thành quen. Nhiều con tắc kè bay nằm trên thân cây cổ thụ cao hơn 20m vẫn bị Cần bắn trúng. Tắc kè bay thường trú trên cây trong rừng rậm. Khi ánh nắng chiếu sáng vào ban trưa, thì chúng mới bò ra tìm kiến ăn. Khi ăn, chúng bò bám theo thân cây, nhìn theo chiều từ gốc lên ngọn cây thì thấy. Khi đó, thợ săn giương nạn thun bắn.
“Nó cùng họ với thằn lằn, có 2 cánh màng nhưng không bay được như chim. Em bắn nó bằng đất, tạt ra chứ không trúng nguyên con. Giữ cho nó bị thương mà còn sống thì bán mới có giá”, Cần chia sẻ.
Làm chơi ăn thật nhờ… lời đồn
Cần cho biết, nghề săn tắc kè bay rất “dễ ăn”, vì vậy mà ở núi Cấm có khá nhiều người đi săn bắn nó. Học sinh vùng Bảy Núi vào mùa hè cũng hay xách giàn thun đi bắn tắc kè bay để tích lũy tiền cho năm học mới.
Trên đường đi săn với Cần, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Minh Vương - 27 tuổi (nhà ở ấp Thiên Tuế) cũng đi bắn tắc kè bay. Anh Vương cho biết, anh làm nghề chạy xe ôm, tranh thủ những lúc rảnh rỗi do không có khách thì đi bắn tắc kè bay kiếm thêm thu nhập.
Cần và anh Vương săn bắn tắc kè bay vì dễ kiếm tiền
Trung bình 1 buổi anh ra sức bắn thì thu nhập khoảng 200.000 đồng. “Nghề này làm chơi mà ăn thiệt”, anh Vương nói.
Bà Thao cho biết, tình cờ bà phát hiện ra khả năng đặc biệt của Cần trong lần 2 mẹ con đi nhặt than thừa trong rừng (tức những lò đốt lấy than, chủ đã lấy rồi mà còn sót lại).
Khi đó, Cần mang theo giàn thun đòi đi bắn tắc kè bay. Trong khi bà còn chưa hề biết tắc kè bay là con gì, thì lát sau Cần mang về 5-7 con. Thời ấy, Cần bán mỗi con được 1.000 đồng. Mấy năm sau, hễ vào mùa nghỉ hè thì trên núi Cấm có nhiều học sinh đi bắn tắc kè bay bán như Cần.
Bà Thao bộc bạch: “Đứa nào siêng mỗi ngày bắn được vài chục con, kiếm vài trăm ngàn đồng. Càng về sau càng ít người đi săn. Và bây giờ, trên vùng núi Cấm hầu như chỉ còn thằng Cần và vài người làm. Mỗi năm, hễ vào những tháng mùa nắng là Cần thu về khoảng chục triệu đồng từ nghề săn tắc kè bay”.
Bà Hai “Tề Thiên” kể về sự cạn kiệt của tắc kè bay
Theo bà Thao, sau khi bắn được tắc kè bay thì Cần đem đến bán cho đầu mối trên núi Cấm. Trên đỉnh núi này có nhiều nơi thu mua, nên ai săn được bao nhiêu vẫn không đủ bán. Và giá tắc kè bay thì cứ tăng hàng năm.
Sau khi mua tắc kè bay đang ngáp chết, chủ vựa cho mổ bụng, móc ruột rồi sấy thành tắc kè bay khô. Sau đó người ta cho tắc kè bay khô vào bọc nilon, rồi bày dọc theo những ngõ đường lên xuống núi Cấm bán cho khách hành hương, du lịch.
Bà Thao kể, có thể do tin đồn tắc kè bay có nhiều công dụng chữa bệnh mà nó bị săn bắn quá mức. Và còn do cái nghề không tốn tiền đầu tư, dễ làm mà “ăn thật”.
Gia đình bà có vài công đất vườn tạp và 5 người con. Những người anh của Cần thì chạy xe ôm, đưa rước khách du lịch lên xuống núi Cấm, còn Cần thì câu cua núi và săn tắc kè bay. Nhưng chính Cần lại giúp ít rất nhiều cho tài chính của gia đình bà.
Theo sự hiểu biết của bà Thao, thông thường người ta đem nướng tắc kè bay thành than rồi tán nhuyễn. Sau đó pha bột than vào nước rồi lắng trong. Múc nước trong cho trẻ con uống sẽ chữa khỏi chứng bệnh khò khè.
Lâu nay bà chỉ nghe thấy có người hết bệnh khò khè chứ chưa nghe tác dụng nào khác. Tuy nhiên, lâu nay có những thông tin trên mạng Internet đồn thổi về công dụng con tắc kè bay. Nào nó chữa được bệnh ung thư, giúp đàn ông sung sức. Chính vì điều đó mà càng về sau, nguồn tắc kè bay trong tự nhiên bị săn bắt cạn kiệt.
Con tắc kè bay vô hại nhưng bị giết làm thuốc chữa bệnh
Đến bây giờ, mẹ con bà Thao và nhiều cư dân khác ở vùng Bảy Núi vẫn nhận biết tắc kè bay không hề gây hại cho mùa màng, hay sản xuất của con người. Việc săn bắn loài bò sát này khiến lòng họ áy náy. Nhưng có thể do đồn đại quá mức mà tắc kè bay vẫn được tiêu thụ mau chóng.
Trong khi tác dụng chữa bệnh của nó thế nào chưa ai rõ, nhưng nhìn những con tắc kè bay chết dần dưới tay nghề xạ thủ của Cần khiến chúng tôi cảm thấy xót xa. “Tắc kè bay bây giờ khan hiếm quá, nên sắp tới chắc em bỏ nghề, rồi đi học nghề làm tóc”, Cần thổ lộ.
Lương y Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch Hội Đông y huyện Tịnh Biên cho hay: “Cho đến nay, chưa có đề tài nghiên cứu khoa học nào về con tắc kè bay. Do đó, những chuyện nói nó chữa được bệnh này hay bệnh khác, chỉ là tin đồn.Trên thực tế có người đốt tắc kè bay tán nhuyễn, pha với nước rồi lóng trong uống. Có người chữa khỏi bệnh suyễn, nhưng cũng có người không khỏi. Đừng vì những lời đồn mà tận diệt động vật hoang dã vô tội”.
Thanh Thanh