Người đàn ông đầu tiên và duy nhất của NSND Chu Thúy Quỳnh
Văn hóa - Ngày đăng : 19:34, 10/07/2017
Chiều mùa hè hôm nay thật đặc biệt, nó khác với những buổi chiều mùa hè thường ngày. Đó là sau khi bà nhận giải thưởng danh giá cao quý nhất dành cho người nghệ sĩ "Giải thưởng Hồ Chí Minh" về nghệ thuật múa.
Cánh chim đầu đàn của nền múa Việt Nam ngồi lặng lẽ trong căn phòng riêng, và bà nhớ đến người đàn ông duy nhất của đời mình. Người mà định mệnh đã cho bà gặp từ năm 13 tuổi sau này chính là người ảnh hưởng đến sự nghiệp và cuộc sống của bà. Người đã cho bà hạnh phúc ngọt ngào của sự thăng hoa, cũng như sự tột cùng buồn thương tiếc nhớ. Đó chính là NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng, người chồng đầu tiên, cuối cùng, và duy nhất của NSND Chu Thúy Quỳnh.
Tình yêu thật đặc biệt, có lúc nó mạnh như một lốc xoáy, hay ầm ào như cơn bão, có lúc lại êm dịu mát lành như những con sóng trong hồ nước xanh vào mùa thu. Thúy Quỳnh ví tình yêu của mình êm dịu như vậy, không ồn ào mà lặng lẽ, nhưng vấn vương và đầy xúc cảm. Người ta vẫn thường hay nghi ngờ tình yêu của văn nghệ sĩ hay với những nữ diễn viên tha thiết đấy, nồng nàn say đắm đấy rồi thì lại đa đoan, nhanh đến, nhanh đi như dòng thác.
Còn Thúy Quỳnh thì khác, đến bây giờ bà vẫn khẳng định mình chỉ có một tình yêu đầu tiên và duy nhất, cho dù với một diễn viên solist như bà thời hoàng kim rực rỡ bà có bao nhiêu vệ tinh xin “chết”; nhưng với bà, người chồng, người đàn ông định mệnh - NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng vẫn là mãi mãi, điều đó chắc như ngọn núi Tu Di ngàn năm không đổi. Không có một người đàn ông nào có thể chen chân vào chỗ đứng của chồng bà, cũng không có một người đàn ông nào có thể làm cho bà thay đổi để đi bước nữa.
Mấy chục năm trời thờ chồng nuôi con, ngay cả bây khi chồng của bà đang bồng bềnh ở một cõi nào xa lắm thì Thúy Quỳnh vẫn để trong căn phòng làm việc hay ngay trên đầu giường của mình ảnh của hai vợ chồng thời trẻ, họ đã tập luyện và biểu diễn cùng nhau.
Là cháu gái đời thứ 26 hậu duệ của danh nhân Chu Văn An, Tết năm 1955, Thúy Quỳnh vừa tròn 13 tuổi, tóc tết đuôi gà đến thi tuyển vào Đoàn ca múa Nhân dân Trung ương. Tại đây cô bé gặp ba người chấm thi cho mình, chị Phùng Thị Nhạn, anh Hoàng Châu, anh Nguyễn Mạnh Hùng. Anh Hùng lúc ấy 18 tuổi, dáng vẻ thư sinh; những người đến thi tuyển, Thúy Quỳnh ít tuổi nhất, nhưng rất tự tin cũng thấy cái cô bé Hà Nội này hay hay.
Quỳnh thấy giận anh, nếu có chuyện gì không bằng lòng anh nói riêng cho Quỳnh biết, chứ sao lại nói với người khác như vậy?! Nhưng múa là năng khiếu là tố chất bẩm sinh ở trong người, chỉ chưa đầy năm sau Quỳnh chứng tỏ bản lĩnh; mọi người trong đoàn đều công nhận, cô bé thật có tố chất của một nghệ sĩ múa bẩm sinh.Được trúng tuyển vào đoàn nhưng đang tuổi ăn tuổi chơi, Quỳnh còn mải chơi lắm, thích mấy cái trò nhảy lò cò, ô ăn quan, ném ống bơ. Anh Hùng trong lúc họp nói: "Quỳnh nhỏ tuổi nhất đoàn lại mải chơi không biết có theo kịp mọi người hay không?".
Thời đó làm gì cũng nghe tiếng kẻng, sáng nghe tiếng kẻng để ngủ dậy, giờ đi học cũng nghe tiếng kẻng, đến giờ ăn cơm cũng nghe tiếng kẻng. Hai anh em, cả Quỳnh cả anh Hùng giáp mặt nhau liên tục, từ cuộc họp cho đến phòng tập, hay giờ đi ăn cơm. Anh 18 tuổi, em 13 tuổi, cách nhau 5 tuổi mà chả bao giờ xưng nhau bằng anh em.
Mỗi lần chạm trán có việc cần nói với nhau, Quỳnh gọi tên của anh rồi xưng tôi. Anh Hùng cũng vậy, gọi cô bé bằng tên riêng và cũng xưng tôi. Những lần họ nói chuyện với nhau nghe ngồ ngộ, anh Hùng bảo: "Quỳnh ạ!, theo tôi thì…", Quỳnh đáp lại: "Tôi cũng nghĩ như vậy Hùng ạ".
Khi đó là những bữa ăn tập thể, phải gắp đũa hai đầu, một đầu để gắp thức ăn, còn một đầu để ăn. Quỳnh còn ít tuổi nên hay quên, anh Hùng hay phải nhắc. Mới đầu Quỳnh cũng có tí giận dỗi, sau dần cũng quen, lâu lâu không thấy anh nhắc, Quỳnh lại cố tình quên để cho anh nhớ nhắc.
Họ gặp nhau hằng ngày, hằng giờ, tình yêu công việc và trong những lần tiếp xúc tình cảm nảy sinh từ lúc nào chả hay biết, họ nhìn nhau chứ không thổ lộ. Lúc ấy Đoàn văn công còn có lệnh "cấm yêu" nên Quỳnh và Hùng bí mật.
Bà kể: "Chúng tôi không bao giờ đi chơi riêng, cũng không kéo ri đô ngồi trên giường, và không gọi nhau bằng anh em, vì chúng tôi nghĩ mình là những thanh niên thời đại mới, lại sống trong môi trường kỉ luật nên phải giữ điều lệ và phép tắc để không ảnh hưởng đến cá nhân hay tập thể".
Họ chỉ nhìn nhau và ra hiệu cho nhau bằng mắt. Vài năm sau cách xưng hô mới thay đổi, một lần anh bảo với cô bé: "Quỳnh ạ, theo mình thì…". Chỉ có mỗi một đại từ nhân xưng là "mình" của anh mà Quỳnh thấy đầu óc choáng váng, tai ù đi, tim thở dốc… Còn Quỳnh thì cũng thay đổi dần cách xung hô: "gọi là anh Hùng và xưng tớ".
Năm 1963 họ lấy nhau khi đó Quỳnh mới vừa tròn 18 tuổi, còn anh Hùng 23 tuổi, lễ cưới diễn ra với sự chứng kiến của những nghệ sĩ múa ở Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Anh Hùng quê ở Bắc Giang, anh là con trai duy nhất trong gia đình. Sau ngày cưới, Quỳnh đón mẹ anh về ở với hai vợ chồng. Lúc đó, Quỳnh chưa được phân nhà, còn đang sống chung cùng bố mẹ đẻ ở khu phố Khâm Thiên.
Vậy là cả bố mẹ đẻ của Quỳnh, hai vợ chồng Quỳnh và mẹ chồng cùng ở chung một nhà. Một thời gian sau, Quỳnh đã trở thành solist của Đoàn văn công Nhân dân TW, lương của diễn viên khi đấy được 48 đồng, riêng chỉ có diễn viên solist được 72 đồng. Quỳnh được 72 đồng tiền lương kèm theo tiêu chuẩn đường, sữa, nước mắm, mì chính, gạo… Hai vợ chồng được Nhà nước phân cho một ngôi nhà nhỏ ở phố Cầu Giấy, Quỳnh chuyển ra ở riêng đón mẹ chồng về ở cùng với hai vợ chồng.
Năm 1968, Quỳnh hạ sinh cậu con trai đầu lòng, cũng là cậu con trai duy nhất Nguyễn Hải Linh, (hiện anh là Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - tiền thân là Đoàn văn công Nhân dân Trung ương).
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, NSND Chu Thúy Quỳnh đã cùng chồng đi biểu diễn trên những cung đường ác liệt nhất. Quỳnh nhớ đến những ngày giáp Tết trong năm tháng đất nước còn đang chia cắt ở vĩ tuyến 17 trên dòng sông Bến Hải. Khi ở cái lạnh miền Bắc với hạt mưa xuân bụi giăng mắc trên những cành non lộc biếc, ở thủ đô Hà Nội mọi người chuẩn bị hoa đào, gói bánh chưng, củ kiệu, dưa hành câu đối đỏ thì hai vợ chồng lại cùng một số diễn viên của đoàn vào bên này của cầu Hiền Lương múa cho bà con ở cầu bên kia xem. Đi đâu cũng có hai vợ chồng. Hai người là nguồn cảm hứng lẫn nhau. Họ đã cùng nhau trên những trận tuyến ác liệt từ Quảng Bình, Quảng Trị…
Họ cùng nhau biểu diễn dưới ánh trăng sáng vằng vặc và bầu trời đầy sao lấp lánh trong đêm rừng Trường Sơn xào xạc tiếng lá rừng đầy thơ mộng. Họ biểu diễn dưới ánh đèn măng sông cho dân quân, tự vệ, du kích. Có những hôm sau trận mưa bom đạn trút của quân giặc, các nghệ sĩ lại tươi trẻ và đầy hào hứng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, họ cất lên lời ca tiếng hát, điệu múa cho các anh chiến sĩ trẻ. Chiến tranh là một sự tàn khốc và hoàn toàn không thể báo trước.
Có thể ngày mai đây, các anh sẽ nằm xuống vĩnh viễn dưới mảnh đất này, Quỳnh và chồng cùng những nghệ sĩ trong đoàn mang hết tâm huyết ra để biểu diễn cho các anh. Chính trong lần đi diễn trên chiến trường thấy rõ sự khốc liệt tàn ác của chiến tranh, nhưng vẫn ấm áp tình người của những đồng đội chiến sĩ, Quỳnh và chồng đã sáng tác tại chỗ "Gặp gỡ bên mâm pháo".
NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng vừa là người chồng, người bạn tri kỉ tri âm, là người đồng nghiệp thân thiết, anh hết lòng vì sự nghiệp của vợ, nữ NSND Chu Thúy Quỳnh. Anh vẫn thường động viên vợ mình đi khắp các nước để học múa. Năm 1982, Thúy Quỳnh nhận được giấy báo sẽ sang Ấn Độ học lớp múa dài hạn.
Trước ngày lên đường, anh dặn Quỳnh: "Em phải cố lên, anh và con luôn ở bên em. Sau này về nước chúng mình sẽ đoàn tụ…".
Quỳnh không ngờ đấy là câu nói cuối cùng của anh với mình. Sang Ấn Độ chưa đầy một năm, Quỳnh nhận được điện tín bên này đánh sang: "Chồng ốm nặng về ngay". Quỳnh run sợ, lập cập ra sân bay về nước, khi về đến nơi thì từ đầu ngõ đã thấy tiếng khóc, vòng hoa. Chân Quỳnh như muốn khụyu xuống, người chỉ muốn lả đi. Thì ra anh đã mất trước đấy, mọi người mới đánh điện cho Quỳnh về. Anh ra đi quá đột ngột vì căn bệnh ung thư phổi. Quỳnh lặng lẽ đưa anh ra cánh đồng cạnh triền đê lộng gió để tiễn anh về thế giới bên kia.
Quỳnh nhìn lên bầu trời cao trong xanh vời vợi và tự hứa với lòng mình: "Em sẽ không bao giờ phụ tấm lòng của anh. Anh mãi sẽ là tình yêu đầu đời và duy nhất của em". Quỳnh ở nhà thắp hương 50 ngày cho chồng rồi đưa bà mẹ chồng vào trong Nam ở nhà người con gái của bà cụ, rồi lại sang Ấn Độ học tiếp đến năm 1986 kết thúc khóa học về nước.
Bà bảo mùa hè năm nay, bà đã bước sang tuổi 75, còn chồng nếu còn sống thì đã 80 tuổi. Mấy chục năm trôi qua, thời gian không làm mòn đi kí ức, thời gian cũng không làm phai mờ đi tình cảm, ở nơi sâu thẳm trong trái tim bà vẫn nhớ thương chồng, NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng như thuở nào. Người đàn ông đầu tiên và duy nhất của bà vẫn hiện hữu ở đây, trong cuộc sống này.
Trần Mỹ Hiền/ANTGCT