Giảm lãi suất cho vay: Ngân hàng nặng gánh, doanh nghiệp thở phào

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:02, 10/07/2017

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết việc giảm lãi suất cho vay là để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên ở những góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng đây sẽ là "gánh nặng".

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7.7 vừa qua đã ban hành văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày hôm nay 10.7.

Theo quy định này thì sẽ giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng;

Giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Trao đổi với báo chí ngày 10.7 về quyết định giảm lãi suất cho vay lần nay, ông Nguyễn Đức Long - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết lạm phát có chiều hướng tăng chậm, tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% so với cuối năm 2016, tăng 2,54% so với cùng kỳ 2016, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% và dự báo năm 2017 có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% Quốc hội giao.

Hoạt động ngân hàng, thanh khoản của các tổ chức tín dụng có diễn biến tích cực và để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp, NHNN đã quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Trần lãi suất huy động được giữ ổn định trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, cũng nhưviệc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất và khả năng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Long, để hỗ trợ giảm lãi suất cho vayNHNN cũng có văn bản chỉ đạo các TCTD chủ động các biện pháp để đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng mức phí cho vay hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật. NHNN cũng điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các TCTD giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu.

Ông Long cũngcho biết NHNN sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra giám sát việc chấp hành và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của NHNN về lãi suất.

Giảm lãi suất cho vay sẽ mang lại tín hiệu vui cho cộng đồng doanh nghiệp. Song, với diễn biến kinh tế vĩ mô và thực tế của ngân hàng hiện nay, quyết định này được cho là sẽ tạo áp lực tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Cụ thể, việc giữ nguyên lãi suất tiền gửi nhưng giảm lãi suất cho vay sẽ khiến cho biên độ lợi nhuận của các ngân hàng, TCTD sẽ giảm đi. Điều này đòi hỏi các ngân hàng ngoài việc cắt giảm thêm chi phí còn cần phải quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong việc đẩy nhanh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định trong bối cảnh chi phí hoạt động của các ngân hàng ngày càng tăng nhưng tỷ lệ lãi cận biên (NIM) được duy trì ở mức khá thấp sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng ổn định của các ngân hàng.

Các tính toán cho thấy, để hoạt động ngân hàng ổn định và có lãithì NIM sẽ phải đạt ở mức 3%, do đó nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vaythì NIM sẽ lại càng thấp hơn, khi đó khó khăn sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động của các ngân hàng.

TS Hiếu cho rằngtrong bối cảnh đó, các ngân hàng ở mức trung bình và nhỏ sẽ có áp lực vô cùng lớn, hay nói cách khác là sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện giảm lãi suất cho vay.

Tuyết Nhung

tuyetnhung