Đề xuất huy động vàng, đô la: Lợi bất cập hại!

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:47, 03/07/2017

Ý tưởng huy động vàng trong dân từng làm "nóng" dư luận hồi giữa năm 2016, lại tiếp tục được Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất trong phiên họp quý 2/2017 diễn ra mới đây.

Cụ thể, trongmột số đề nghị về giải pháp điều hành nền kinh tế, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la trong dân vào sản xuất, kinh doanh. Đề xuất này lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của dư luận, tạo nên những ý kiến trái chiều trong giới chuyên gia và các tổ chức.

Tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017: Viễn cảnh kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng ý tưởng huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường.

Nếu thực hiện, VEPR cho rằngsẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy ra. Và về dài hạn, ý tưởng này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua.

Theo đó, VEPR đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (như USD) ra khỏi lưu thôngvà đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Cụ thể, vàng hiện được cất giữ trong dân mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền.

TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính từng đặt câu hỏi: "Việc huy động vàng có thực sự mang lại lợi ích cho hơn 90 triệu dân hay chỉ một số người đang nắm rất nhiều vàng có lợi?". Theo TS Đức, việc huy động vàng thực chất sẽ làm tình trạng vàng hóa quay trở lại và khiến việc vận hành chính sách tiền tệ khó khăn.

Nhìn nhận sâu rộng hơn trong bối cảnh phát triển bền vững nền kinh tế vĩ mô, TS Lưu Bích Hồ cho rằng thay vì huy động vàng trong dân thì nên tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo TS Hồ, người dân và doanh nghiệp hiện nay chưa tin tưởng vào thị trường nên họ chưa biết đầu tư, kinh doanh vào đâu để sinh lời. Vì vậy, họ vẫn giữ vàng làm tài sản đảm bảo.

"Nếu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợisẽ kích thích người dân đem vàng đổi thành tiền. Lúc này không cần Nhà nước hay ngân hàng huy động vàng thì người dân cũng sẵn sàng bỏ ra", TS Hồ nhận định.

Ở một quan điểm ngược lại, những ý kiến ủng hộ việc huy động vàng trong dân thì cho rằng huy động vàng sẽ giúp tăng tính thanh khoản của vàng, thay vì để vàng "nằm chết" trong két sắt của người dân.

Tuyết Nhung

tuyetnhung