Hàng loạt trẻ tại TP.HCM bị sốc sốt xuất huyết nặng
Sự kiện - Ngày đăng : 18:47, 28/06/2017
Cả chục trẻ bị sốc sốt xuất huyết
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tuần qua (tuần thứ 25) số ca sốt xuất huyết ở TP bất ngờ tăng đột biến lên đến 339 ca.
Nếu so với các tuần trước đó, trong tháng 6.2017 trung bình mỗi tuần chỉ có khoảng 246 ca. Như vậy số ca sốt xuất huyết tăng gần đến 40% so với những tuần trước đó của tháng 6.
Đặc biệt trong tuần qua đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến nay ở TP lên 3 trường hợp.
Tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM, số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết phải nhập viện trong những ngày qua cũng tăng lên, nhất là các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng.
TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết hiện số trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện này là 116 trường hợp, trong đó có khoảng 10 trường hợp bị sốc sốt xuất huyết khá nặng.
Theo bác sĩ Minh, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện mỗi tuần tại đây khoảng 80 bệnh nhi, nếu so với những tháng trước đó, tăng từ 10% đến 15%.
Trong tháng 6 này, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện đã có sự tăng lên so với tháng trước, trung bình mỗi tuần có từ 70 đến 80 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết phải nhập viện. Trong khi đó, trong tháng 5 trung bình mỗi tuần chỉ có 50 đến 60 bệnh nhi nhập viện.
“Như vậy số lượng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện trong tháng 6 này tăng khoảng 10% so với tháng trước. Còn nếu so trong khoảng thời gian 5 năm gần đây thì số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng 6 này cũng tăng cao hơn so với cùng thời điểm này của những năm trước”, bác sĩ Minh chia sẻ và tỏ ra khá lo lắng vì đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu mùa mưa.
Thành lập đội cơ động điều trị sốt xuất huyết
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết các trường hợp bị sốc sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện có nhiều trường hợp phải thở máy. Đây là những trẻ bị thất thoát huyết tương nặng, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến bị sốc.
"Phần lớn những trường hợp bị sốc sốt xuất huyết là do đến trễ hoặc có cơ địa đặc biệt và mắc các bệnh nền như: tim, gan, thận, phổi… gây nên tính trạng sốc kéo dài và có những biến chứng nặng", bác sĩ Tuấn nói.
Để biết trẻ có bị sốt xuất huyết hay không, bác sĩ Tuấn cho biết khi trẻ đang khỏe mạnh bình thường mà bị sốt cao đột ngột từ ngày thứ 2 trở lên thì có thể đây là trường hợp sốt xuất huyết, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế địa phương để kiểm tra.
“Trong quá trình chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, nếu trẻ sốt đã được uống thuốc hạ sốt, lau nước nhưng trong vòng 24 tiếng đồng hồ vẫn không hồi phục, có những biểu hiện đau bụng, ói mửa, không chịu chơi, không chịu uống nước, bứtrứt…cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất, tránh chậm trễ khiến trẻ có thể bị sốc sốt xuất huyết”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Trước tình hình trên, bác sĩ Minh cho hay Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển trai các phương án để có thể đối phó với tình trạng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết ồ ạt nhập viện trong những tháng cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị các loại thuốc, dịch truyền, máu, máy thở, máy lọc máu cũng như nhân sự sẵn sàng phục vụ cho công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh viện cũng đã tổ chức tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng về công tác chẩn đoán và điều trị; các bác sĩ ở những khoa bệnh nặng (hồi sức, sốt xuất huyết..) còn được tập huấn chuyên sâu để xử lý những trường hợp bệnh nhân nặng.
“Hiện chúng tôi đã thành lập 5 đội cơ động sốt xuất huyết, mỗi đội có 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Lực lượng cơ động này ngoài xử lý các trường hợp sốt xuất huyết tại bệnh viện còn đến các bệnh viện quận, huyện để xử lý khi có yêu cầu”, bác sĩ Minh cho cho hay.
Xử lý nghiêm những nơi để phát sinh điểm nguy cơ
Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM trong 5 năm vừa qua thì đỉnh điểm sốt xuất huyết rơi vào tháng 7, 8, 9 tới nên bệnh sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương ở TP.HCM còn hết sức lơ là. Mới đây, qua kiểm tra 14 quận, huyện thì có đến 12 quận, huyện không đạt yêu cầu trong công tác kiểm soát điểm nguy cơ.
Cụ thể, phường Hiệp Thành (quận 12) bỏ sót nhiều điểm nguy cơ có khả năng bùng phát thành dịch; các địa phương của huyện Hóc Môn xuất hiện nhiều điểm nguy cơ không được kiểm soát, một số điểm nguy cơ khi tái kiểm tra vẫn có lăng quăng.
Tại phường An Phú (quận 2), đơn vị này chưa cập nhật đầy đủ các điểm nguy cơ, một số điểm nguy cơ tái kiểm tra nhưng còn nhiều lăng quăng.
Bên cạnh đó, một số địa phương tại quận 10 còn chưa thực hiện kế hoạch giám sát điểm nguy cơ; phường Tăng Nhơn Phú A (quận 9) cập nhật không đầy đủ các điểm nguy cơ mới phát sinh trên địa bàn…
Trung tâm y tế dự phòng TP cho biết trong thời gian tới, ngành y tế sẽ phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị để phát sinh điểm nguy cơ cũng như không xử lý triệt để những điểm nguy cơ đã được nhắc nhở trước đó.
Hồ Quang