Bộ Chính trị yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm ở 12 dự án ‘đắp chiếu’

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:36, 21/06/2017

“Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án”, kết luận của Bộ Chính trị nêu.

Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản công bố ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.

Theo đó, ngày 17.6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Đây là bài học đắt giá cho các cấp, các ngành trong việc đầu tư, quản lý và khai thác nguồn lực nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Chính trị lưu ý cơ quan hữu quan cần quán triệt các mục tiêu và quan điểm sau:

Về mục tiêu:Cần quyết liệt hơn nữa,sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và xã hội: hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2017; phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án.

“Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án”, kết luận nêu.

Về quan điểm:Cần kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên.

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán và báo cáo rà soát pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất đồng phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài Nhà nước.

“Kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục; thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước cũng như đối với nền kinh tế nói chung”, trích kết luận.

Bên cạnh đó là bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an sinh-xã hội, an ninh-quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Ngoài ra, Bộ Chính trị yêu cầuthanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý và điều hành đối với doanh nghiệp nhà nước như thời gian qua.

Theo báo cáo trước đó của Bộ Công Thương, trong số 12 Dự án, tới thời điểm hiện nay, có6nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; DQS; Nhà máy thép Việt Trung);3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam);3nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex).

Tổng mức đầu tư ban đầu của12Dự án trên là:43.673,63 tỉ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên:63.610,96 tỉ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: vốn chủ sở hữu là:14.350,04 tỉ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là:47.451,24 tỉ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước:41.801,24 tỉ đồng, trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là:16.858,63 tỉ đồngvà vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là:6.617,24 tỉ đồng.

Tổng số lỗ luỹ kế của10nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31.12.2016 là:16.126,02 tỉ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là:3.985,14 tỉ đồng; Tổng tài sản của12nhà máy là:57.679,02 tỉ đồng; Tổng nợ phải trả là:55.063,38 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là:10.633,43 tỷ đồngvà nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là:4.299,83 tỉ đồng.

Tổng số vốn đã giải ngân của3dự án dở dang, đang bị dừng thi công là8.614 tỉ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là13.066 tỉ đồng.

Hoài Phong

Trí Lâm