2 kịch bản với 4 rủi ro cho kinh tế Việt Nam 2017
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:26, 16/06/2017
Sáng ngày 16.6, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, với tiêu đề "Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo".
Trong báo cáo này, VEPR đã chỉ ra 2 kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Thứ nhất là tăng trưởng 6,7% và lạm phát ở mức 3,2% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề tính bền vững trong tăng trưởng. Thứ 2, kinh tế tăng trưởng trong trạng thái tự nhiên, đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm chỉ dừng ở mức thấp2,35%.
Hai kịch bản này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế hiện có xu hướng chững lại và năng suất nền kinh tế chậm cải thiện.
Chuyên gia kinh tếTS Cấn Văn Lựccho rằng: "Quyết tâm đạt được 6,7% nếu không đạt được sẽ phá rất nhiều cân đối. Theo đó, tôi kiến nghị thay vì tập trung đầu tư công và khai thác 1 triệu tấn dầu thô thì hãy tập trung vào khâu tiêu dùng (khâu từng chiếm 74% GDP, chiếm 3,7 triệu tỉ đồng năm 2016) và dịch vụ, du lịch. Nếu du lịch thúc đẩy được 40.000 tỉ đồng thì sẽ là động lực ngang ngửa với mục tiêu 1 triệu tấn dầu thô mà Chính phủ đặt ra".
Đồng quan điểm, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằnghãy kìm việc thúc đẩy đầu tư, tín dụng lại, thay vào đó đặt mục tiêu vào những đầu cầuthen chốt như: TP.HCM - khu vực đáng được kích thích tăng trưởng mạnh.
"Ngoài ra, hiệncần phải xác định được điểm rơi của năm 2017, bên cạnh những vấn đề nóng, chúng ta đang sa vào điều hành không tương thích với lãnh đạo. Điều hành kiểu này không phải điều hành kiến tạo. Theo đó, cần xem lại điểm nghẽn trong xây dựng và vận hành nhà nước kiến tạo", TS Hồ phát biểu.
Với 2 kịch bản được đưa ra ở trên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR và cũng là Chủ biên báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2017 đưa ra 4 rủi ro cần lưu ý trong kinh tế vĩ mô năm nay:
Thứ nhất, khu vực sản xuất trong nước ngày càng yếu thế trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng. Theo đó, dấu hiệu phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt.
Thứ hai, ngân sách và nợ công vẫn là nguy cơ tạo nên các bất lợi vĩ mô của Việt Nam.
Thứ ba, tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm. Thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi thường xuyên, vốn vẫn đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua.
Thứ tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và chính sách kinh tế của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Trước 4 rủi ro trên, TS Thành khuyến nghị cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần chặt chẽ và độc lập trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017, giữ vững lạm phát mục tiêu.
"Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô... có thể làm chậm động năng cải cách, trì hoãn sự phục hồi tăng trưởng bền vững", TS Thành nhận định
Chính phủ cũng cần phải thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng tinh giản, đồng thời cắt bỏ những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước như khu vực hội, đoàn.
Bên cạnh đó là việc điều chỉnh chính sách theo hướng phù hợp với thực trạng tầng lớp trung lưu đang hình thành và phát triển nhanh chóng (tránh sa vào hướng dân túy); đồng thời khuyến khích phát triển xã hội công dân, các hình thức tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giúp nâng cao năng lực quản trị địa phương.
Tuyết Nhung