Hải Dương: Đại công trường 'rút ruột' sông Kinh Thầy không phép
Sự kiện - Ngày đăng : 15:15, 17/06/2017
Núp bóng dự án, khai thác tài nguyên trái phép
Phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới đãtìm hiểu về việc thực hiện hợp đồng thi công nạo vét cảng nội địa phục vụ Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương, có nhiều biểu hiện bất thường trong việc khai thác cát củaCông ty TNHH Đông Hải (Công ty Đông Hải) trên sông Kinh Thầy thuộc địabàn xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Các tài liệu có được cho thấy, Công ty Đông Hải (có địa chỉ tại thị xã Đông Triều - tỉnh Quảng Ninh) ký hợp đồng thi công gói thầu xây dựng kè đá, nạo vét đổ thải, nạo vét và bốc dỡ đá hiện hữu, đào đất vận chuyển đổ trong nhà máy, thi công đường từ cảng than hạng nặng vào nhà máy thuộc Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương tại xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn. Bản hợp đồng có trị giá hơn 13,3 tỉđồng.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện gói thầu, Công ty Đông Hải đã lợi dụng việc triển khai dự án để tổ chức khai thác cát sỏi trái phép, khi chưa có sự chấp thuận của chính quyền tỉnh Hải Dương,không những thế còn ngang nhiên chiếm đất xây dựng các công trình kiên cố, tập kết cát sỏi.
Trong những ngày đầu tháng 6, PV có mặt tại điểm km16+287 đê tả sông Kinh Thầy (đoạn qua xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn và xã Tân Dân, thị xã Chí Linh) nhìn xuống, cả một khúc sông như đại công trường. Cảnh hàng chục tàu thuyền ngang nhiên cắm những chiếc “vòi bạch tuộc" xuống lòng sông Kinh Thầy bất kể ngày đêm “móc ruột lòng sông" với tiếng máy nổ inh ỏi.
Qua nhiều mối liên hệ, chúng tôi đã được một chủ tàu đang trực tiếp tham gia “móc ruột lòng sông Kinh Thầy” (xin được giấu tên) cho hay, ước tính mỗi ngày hàng chục nghìn khối cát được khai thác từ lòng sông lên tập kết tại bến bãi hoặc bán sang mạn cho các tàu buôn.
Người dân canh tác trên dải bãi bồi ven sông Kinh Thầy thuộc huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh bày tỏ sự lo ngại về viễn cảnh, một ngày nào đó đất đai mà họ đã canh tác bao đời nay sẽ bị Hà bá nuốt chửng. Nỗi lo canh cánh ấy của người dân càng tăng lên bởi chẳng thể nào ngăn cản được việc hút cát trái phép vì“họ có bảo kê”.
Một người dân có cả mẫu đất bãi bồi trồng mía đoạn “đại công trường” khai thác cát trái phép chia sẻ: “Không hiểu tại sao mà họ (Công ty Đông Hải - PV) lại có thể “che mắt” các cơ quan chức năng tại địa phương”.
Công ty Đông Hải dù đã kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương về việc đăng ký thu hồi đất, cát, đá trong quá trình thi công nạo vét cảng nội địa Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương ngày 29.5.2017, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ quyết định nào chấp thuận. Tại văn bản số 1439/UBND-VP của UBND tỉnh Hải Dương, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đã giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND huyện Kinh Môn trên cơ sở nội dung đề nghị của Đông Hải, kiểm tra cụ thể tại hiện trường và tham mưu cho tỉnh xem xét giải quyết. Thời gian báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20.6.2017.
Trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới, ông Vũ Ngọc Long - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho biết, "hiện nay sở mới chỉ đang kiểm tra, xem xét giải quyết đề nghị chứ chưa có quyết định nào đồng ý việc thu hồi khoáng sản trong quá trình nạo vét".
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó giám đốc sở TN&MT tỉnh Hải Dương khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên về việc hàng chục tàu thuyền hút cát tại khu vực cảng nội địa dự án nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương cũng tỏ ra bất ngờ. Cũng như ông Long, ông Lộc khẳng định việc tận thu, thu hồi khoáng sản cát, đất, đá khi nạo vét cảng của Đông Hải là chưa có phép.
Chính quyền không hay biết
Sau thời gian ghi nhận thực tế, chúng tôi tìm về trụ sở UBND xã Phúc Thành, tại đây, ông Lương Văn Hè, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành tỏ ra khá bất ngờ về việc khai thác tài nguyên, lập bến bãi tập kết khoáng sản trên địa bàn xã dù việc này diễn ra 24/24h và cách trụ sở xã chưa đầy 1km. Theo ông Hè, Công ty Đông Hải chưa làm việc với xã nên không biết họ khai thác thế có trái phép hay không; trên địa bàn xã cũng không có đơn vị nào được cấp phép bến bãi.
Còn ông Trần Hữu Dương – Đội trưởng Đội cảnh sát Kinh tế - Ma tuý, Công an huyện Kinh Môn khẳng định: Công an huyện hoàn toàn không biết gì về việc Công ty Đông Hải khai thác cát sỏi trái phép cả. Đơn vị chỉ nhận được thông báo của Công ty Đông Hải về việc thi công xây dựng cầu cảng phục vụ dự án nhà máy nhiệt điện chứ không có thông báo nào về việc khai thác cát. “Sau khi báo chí thông tin, chúng tôi sẽ làm văn bản hỏi Sở TN-MT Hải Dương”, ông Dương nói.
Trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới, bà Nguyễn Thị Liễu - Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho hay, trên địa bàn huyện không có dự án khai thác cát nào và cũng không có đơn vị nào được cấp phép khai thác cát. Mọi hoạt động khai thác cát đều là trái phép.
Còn ông Phạm Văn Toàn – Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Hải thừa nhận: Trữ lượng cát ở khu vực này khoảng gần chục vạn khối. Làm thì ông nào làm cũng sai. Ông Hải thản nhiên nói rằng công ty vẫn bán cát, xuất hóa đơn cho các đơn vị ở các địa phương khác, trong đó có Bắc Giang với giá 85 nghìn đồng/mét khối cát bình thường.
Xử phạt, kiến nghị xử lý nhiều lần vẫn... không ăn thua
Để có nơi tập kết cát sỏi, Công ty Đông Hải hoặc trực tiếp xây dựng các bến bãi hoặc hợp đồng với các cá nhân xây dựng bến bãi trái phép ngay trong hành lang thoát lũ sông Kinh Thầy.
Tại khu vực thôn Lâu Đông, xã Phúc Thành, Công ty Đông Hải đã cho dựng tấm biển cảnh báo ghi rõ: “Khu vực đất của Công ty Đông Hải quản lý, nghiêm cấm người và phương tiện vào trong vườn, không thả trâu bò, gia súc vào trong vườn, không nhiệm vụ miễn vào trong vườn. Ai vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của công ty”.
Về việc này, ông Lương Văn Hè, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành xác nhận: Đất khu vực này thuộc vào đất công điền của xã, là đất trồng cây hàng năm, hiện đang có người trình hồ sơ xin cấp phép kinh doanh bến bãi nhưng chưa được chấp thuận.
Ông Nguyễn Văn Đức – Hạt trưởng Hạt quản lý Đê Kinh Môn cho hay, đơn vị này đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính về các hành vi vi phạm Luật Đê điều đối với Giám đốc Công ty Đông Hải là ông Mạc Tiến Thành từ năm 2013 đến nay.
Tại khu vực Công ty Đông Hải đang tập kết cát sỏi hiện nay, Hạt quản lý Đê Kinh Môn đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị: Yêu cầu dừng ngay việc hoạt động bến bãi trái phép ngoài bãi sông và san tản, hạ thấp độ cao chất tải để trả lại hiện trạng ban đầu.
“Chúng tôi kiểm tra, đề xuất xử lý nhiều lắm rồi nhưng không biết vì lí do gì sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại...” ông Đức ngao ngán.
Tại quyết định ngày 12.5.2017 về việc cho phép hoạt động xây dựng cảng thủy nội địa và một số hạng mục công trình bảo vệ đê điều thuộc dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương tại xã Phúc Thành và Quang Trung (huyện Kinh Môn), do Phó chủ tịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương ký, UBND tỉnh này yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của Luật đê điều, Luật PCTT, Luật đất đai, TN-MT… Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thực hiện, Công ty Đông Hải đang vi phạm hàng loạt, phớt lờ quy định của UBND tỉnh Hải Dương.
Nam Phong