Sau 3 tuần bị hóc xương cá, người đàn ông nguy kịch suýt chết
Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:12, 13/06/2017
Theo người nhà của ông Mai Hưng Duẩn (41 tuổi, ngụ ở quận 7, TP.HCM), sau khi dùng xong bữa cơm với cá ông cảm thấy cổ của mình bị vướng vướng, nghĩ là do mắc phải xương cá, chỉ vàingày sẽ hết.
Sau đó, ông tiếp tục công việc đi bán hàng rong của mình như mọi ngày. Tuy nhiên sau khoảng 3 tuần, lúc ông đang bán hàng rong ở ngoài đường thì bất ngờ cảm thấy khó thở, đau họng dữ dội liền điện thoại báo người nhà đưa đi bệnh viện.
Khi vừa đến cổng bệnh viện thì ông Duẩn khó thở, tím tái, hôn mê sâu, mạch huyết áp không đo được, tiểu tiện không tự chủ.
Bác sĩ Võ Thanh Phúc – Phó giám đốc Bệnh viên Tai Mũi Họng (TP.HCM) cho hay bệnh nhân Duẩn được đội ngũ bảo vệ đưa ngay vào phòng cấp cứu thì đã ngưng tim, ngưng thở.
Qua chẩn đoán lâm sàng, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị viêm thanh thiệt cấp (bộ phận nắp thanh quản không cho thức ăn, nước uống lọt xuống) có thể tử vong ngay tức khắc.
Trước tình hình nguy kịch trên, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản, xoa bóp ngoài lồng ngực nhưng tình trạng sức khỏe bệnh nhân vẫn không chuyển biến màcàng xấu.
Ngay lập tức, toàn bộ các chuyên khoa của bệnh viện đã được huy động để thực hiện một cuộc hội chẩn chớp nhoáng và quyết định mở khí quản ra da, cơ cổ để tiếp cận trực tiếp vào khí quản,sau đó đặt ống mở khí quản để duy trì đường thở. Nhờ vậy bệnh nhân đã hồi tỉnh trở lại.
“Đến hôm nay (13.6) bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh trở lại, ăn uống bình thường nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục phải theo dõi thêm, nếu ổn định chúng tôi sẽ cho đóng nội khí quản”, bác sĩ Phúc cho hay.
Theo bác sĩ Phúc, bệnh nhân Duẩn nếu chậm khoảng 10 phút nữa là có thể tử vong. Trong trường hợp, nếu có thể cứu sống thì bệnh nhân này cũng bị sống thực vật.
Phân tích của bác sĩ Phúc cho thấy thanh thiệt là một cái nắp sụn nhỏ nằm ở dưới đáy lưỡi có nhiệm vụ ngăn không cho thức ăn đi lạc vào khí quản khi nuốt.
Khi bị viêm nhiễm, thanh thiệt có thể làm bít khí quản và gây tử vong do ngạt thở nếu không được khẩn trương cấp cứu.
Nguyên nhân dẫn do thay đổi đột ngột nhiệt độ (thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường) dẫn tới cảm cúm hoặc do hóc xương, làm nhiễm trùng, phù nề thanh thiệt.
“Khi có cảm giác đau họng dữ dội, khó thở, khàn tiếng, giọng nói thay đổi đột ngột, tím tái thì mọi người nên tới các đơn vị chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Hồ Quang