Xế hộp đại hạ giá, dân Việt khát thèm, đại gia ô tô lo sợ

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:17, 05/06/2017

Hàng loạt mẫu ô tô đã ra đời ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc với giá chỉ 250 - 350 triệu đồng/chiếc, trong khi đó các hãng xe trong nước đang vào cuộc giảm chưa từng có. Chưa bao giờ thị trường xe nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của nhiều người dân như hiện nay.

Đại gia đang “bỏ của chạy lấy người”?

Thực tế, khi thông tin xe nhập đổ bộ vào Việt Nam số lượng lớn, giá rẻ, khiến khá nhiều DN xe trong nước thông báo ảnh hưởng và có nguy cơ ngừng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu. Tuy nhiên, theo số liệu của VAMA hiện xe nhập hiện mới chỉ chiếm 20 - 25% dung lượng thị trường xe hơi tại Việt Nam, tức là chỉ chiếm 1/4 thị trường, không hề có tác động dồn ép khu vực lắp ráp xe trong nước.


Vả lại nhiều DN và liên doanh xe hơi từng tuyên bố, nếu có chiến lược các dòng xe ưu tiên, chỉ cần 5 ông lớn là Toyota, Honda, Mecerdes hay Thaco, Thành Công quyết tâm, làm Việt Nam hoàn toàn có thể nội địa hóa được xe hơi trong nước và có được thị trường xe hơi.

Tham dự hội thảo về hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực ô tô, xe máy vừa được tổ chức tại Hà Nội mới đây, chuyên gia ô tô đến từ Indonesia phân tích: Các tập đoàn ô tô lớn thế giới như Toyota, Honda, Ford hoặc Mecerdes... đều đặt cơ sở tại Việt Nam cũng như các nước ASEAN. Các tập đoàn xuyên quốc gia đều có những chiến lược thị trường riêng từng thị trường.

“Nếu các bạn tận dụng được chuỗi liên kết, nhập khẩu linh phụ kiện từ ASEAN để phục vụ nội địa hóa xe trong nước thì đó cũng là thành công. Tuy nhiên, nếu mục tiêu nội địa hóa bất thành, các tập đoàn có thể sẽ chuyển sang nhập hàng loạt mẫu, loại xe thay thế. Đây cũng là mặt trái của tự do hóa thương mại", chuyên gia ô tô của Indonesia bình luận.

Trên thực tế, dù chính sách ưu đãi đối với ngành ô tô có hơn 20 năm nay song hiệu quả thấp. Nhiều chuyên gia khẳng định: Chính sách ưu đãi cào bằng, thuế nhập giảm, trong khi đó quy mô thị trường hẹp, tiêu thụ không cao. Hai năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ bắt đầu tăng mạnh, nhưng đi liền với đó là thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đã giảm nhanh, đến đáy, khiến cho Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ xe thay vì là nơi sản xuất lý tưởng... Đây là các nguyên nhân làm nản lòng giới đầu tư vào ô tô.

Đâu rồi dòng xe chiến lược Việt Nam?

Bằng chứng hiện khá nhiều mẫu xe của các hãng liên doanh trước kia được lắp ráp tại Việt Nam nhưng nay đã chuyển sang nhập khẩu. Liên doanh xe trong nước thay vì quyết tâm nội địa hoá, vẫn đi bằng hai chân: nhập khẩu, lắp ráp và có hướng chú trọng nhập khẩu hơn khi thuế xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống 30% năm 2017 và 0% năm 2018.

Fortuner của Toyota, Civic của Honda là hai ví dụ điển hình của việc các liên doanh xe trong nước đã bắt đầu chuyền phần lớn lượng xe sản xuất tại Việt Nam trước kia để chuyển hẳn sang nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan.

Thêm một chứng khác là mẫu xe Toyota Inova, mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất của Việt Nam hiện nay, một thời đây được xem là dòng xe chủ lực đô thị, gia đình. Thế nhưng, qua thời gian, sự chậm trễ trong cải tiến mẫu mã, chất lượng cũng như sự nhàm chán của dòng xe Nhật đã khiến thị trường có vô vàn các dòng xe 7 chỗ, 5 chỗ khác, đẹp và bắt mắt hơn, thay thế xứng đáng về giá và tiện ích.

Cũng với trường hợp khác là Thaco, dòng xe lắp ráp đã và đang gây sốt thị trường hiện nay là CX5 từ mức giá trên 1 tỷ đồng, nay dòng xe này đã giảm giá mạnh xuống hơn 800 triệu đồng. Xét về giá đây là điểm lợi cho người tiêu dùng, nhưng đối với những người sở hữu dòng xe này đây là nỗi buồn cho sự mất giá của dòng xe.

Thời điểm này, khi nhắc đến đâu là dòng xe chiến lược của Việt Nam, chắc chắn sẽ không còn ai biết nó là loại xe gì bởi thị trường hiện đã quá đa dạng về chủng loại xe từ xe cỡ nhỏ, đến dòng SUV.

“Nếu không xác định được rõ dòng xe chiến lược của thị trường sẽ khó tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ từ đó nâng tỷ lệ nội địa hóa cao. Rõ ràng, câu chuyện về đâu là dòng xe chiến lược của Việt Nam không giống như câu chuyện của Thái Lan, khi họ ưu tiên phát triển dòng bán tải sản xuất với quy mô lớn nhất châu Á”, ông Widjanarko Koko, Giám đốc phụ trách thương mại Công ty Toyota Indonesia chia sẻ tại Hội thảo hợp tác với các hãng xe tại Việt Nam mới đây.

Nguyễn Tuyền - Dân Trí

1