Nhiều bác sĩ chưa chịu kê đơn thuốc bình ổn giá
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:42, 03/06/2017
Theo Sở Y tế TP.HCM trong năm 2017- 2018 này có 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn với 531 mặt hàng thuốc ở 4.016 điểm bán. Như vậy, ngoài 14 doanh nghiệp dược tham gia bình ổn giá thuốc ở năm ngoái, năm 2017 này có thêm Công ty cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar).
Dược sĩ Trần Văn Mười – Phó trưởng phòng nghiệp vụ Dược (Sở Y tế TP.HCM) cho hay trong năm 2016 vừa qua có 14 doanh nghiệp dược tham gia bình ổn giá thuốc đã đem về doanh thu được 78 tỉ đồng. Nếu so với thời điểm 5 năm trước thì doanh thu này tănggấp hơn 10 lần (chỉ 6 tỉ đồng vào năm 2011).
Ông Mười cho biết chương trình bình ổn thị trường dược trên địa bàn TP năm 2016-2017 vừa qua có 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước, với 176 hoạt chất, 563 mặt hàng thuốc trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều.
Danh mục thuốc bình ổn tăng 12 mặt hàng so với năm 2015 - 2016, được xây dựng dựa trên nhu cầu thuốc thiết yếu của người dân TP và căn cứ vào ý kiến đóng góp của các cơ sở điều trị, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thuốc. Chất lượng thuốc đảm bảo đạt các tiêu chuẩn đã đăng ký.
Trong năm 2016-2017, Sở Y tế TP bổ sung thêm 164 điểm bán thuốc bình ổn, trong đó có 154 nhà thuốc tư nhân và 10 nhà thuốc, đại lý thuốc của doanh nghiệp nâng tổng số điểm bán thuốc bình ổn lên 4.016 nhà thuốc. Giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường ít nhất 5-10%.
Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Y tế mặc dù chương trình bình ổn các mặt hàng dược đạt được nhiều kết quả kích lệ nhưng vẫn chưa thực phát huy hết khả năng vốn có. Nhiều nhà thuốc bán thuốc bình ổn giá chưa chủ động trong việc lấy đầy đủ thuốc bình ổn và giới thiệu thuốc bình ổn cho người dân sử dụng; doanh số bán được cònthấp so với nhu cầu thuốc nội; một số bác sĩ điều trị chưa thật sự quan tâm đến việc kê đơn thuốc bình ổn trong điều trị…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp dược tham gia chương trình bình ổn ngay từ những ngày đầu chương trình (năm 2011), nay đã được sở hữu và điều hành bởi các doanh nghiệp nước ngoài, một số doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà với chương trình.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng trong 5 mục tiêu ngành y tế TP đưa ra để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì dược phẩm đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm.
“Trong 5 mục tiêu mà ngành y tế đưa ra để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chúng tôi đưa ra yêu cầu chi phí điều trị phải hợp lý. Như vậy, muốn chi phí điều trị hợp lý thì vai trò của bình ổn giá thuốc là rất quan trọng. Có bình ổn được giá thuốc, mới giảm được chí phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân”, ông Thượng nói.
Hồ Quang