Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lên Hòa Bình chỉ đạo xử lý vụ 6 người tử vong do chạy thận
Sự kiện - Ngày đăng : 07:10, 30/05/2017
Trao đổi với phóng viên ngay trong đêm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện ông đang trực tiếp chỉ đạo xử lývụ việc và nghe các cấp báo cáo sơ qua tình hình sự việc. Ngay sau khi tới Hòa Bình, Phó thủ tướng đã họp khẩn cùng với ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cùng các đoàn công tác của bệnh viện Bạch Mai. 11 chuyên gia ở chuyên ngành thận nhân tạo, hồi sức tích cực, chống độc, dị ứng miễn dịch lâm sàng, chỉ đạo tuyến do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng-Trưởng khoa Thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai làm trưởng đoàn đến làm việc. Sự quan tâm của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giúp bệnh nhân và người nhà cảm thấy yên tâm hơn.
Tại cuộc họp báo,Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu Hòa Bình thành lập hội đồng chuyên môn theo đúng quy định tại Điều 74 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh để xác định tập thể, cá nhân có hay không sự sai sót chuyên môn. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm). Báo cáo nhanh kết quả giải quyết sự việc trên về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế trong ngày 30.5 để báo cáo lãnh đạo Bộ và kịp thời xem xét, tiếp tục chỉ đạo.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về bệnh việnđa khoa tỉnh Hòa Bình vụ chạy thận làm chết 6 người
Trả lời về câu hỏi liệu các bệnh nhân tử vong là do lọc máu, thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: "Nguyên nhân thì có nhiều và hiện tại chúng ta chưa kết luận được nguyên nhân nào vì còn đợi các xét nghiệm cụ thể".Đặc thù của chuyên ngành chạy thận nhân tạo là cùng lúc hàng loạt người được chạy thận. Vì thế, nếu xảy ra tình huống 1-2 người bị sốc phản vệ thì có do yếu tố cơ thể - từng cá thể với thuốc, hóa chất. Còn nếu cùng lúc hàng loạt người bị thì cần chú ý đến hệ thống xử lý nước, việc rửa quả lọc... đã đúng quy trình chưa, có còn chất tồn dư, hay vấn đề ở dịch truyền - dịch thẩm tách...
Các trường hợp sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo bản thân các bác sĩ cũng gặp, nhưng chỉ một vài ca, như bỗng dưng bệnh nhân có biểu hiện rét run, run người thì ngay lập tức bác sĩ ngừng quá trình lọc máu, cấp cứu người bệnh thì không có tử vong.
Hiện nay, việc điều trị cho các bệnh nhân vẫn tiến hành theo phương pháp bao vây tức là bệnh nhân có chuyển biến như thế nào thì sẽ xử lý theo đó. Sau khi có 6 người tử vong, hiện có 2 người đang ở tình trạng rất nguy kịch và các y bác sĩ đang cố gắng chạy chữa để ổn định dần sức khỏe người bệnh.
Sáng 30.5, thông tin từ Hòa Bình - bệnh nhân thứ 7 trong 18 bệnh nhân bị nghi sốc phản vệ ở Hòa Bình đã tử vong. Bệnh nhân vừa tử vong là một bệnh nhân nam ở độ tuổi 60, dù được các bác sĩ hết sức cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi.
Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Việc chuyển những bệnh nhân này tôi tiên lượng hết sức khó khăn vì hôm qua bệnh nhân chưa được chạy thận nên nguy cơ tăng u-rê trong máu, tăng huyết áp và thừa thể tích. Họ cũng là những người có nguy cơ cao vì vậy phải chuẩn bị về nhân lực cần thiết. Những bệnh nhân nào yếu thì nên ở lại để Bệnh viện đa khoa thành phố Hòa Bình chạy thận. Những bệnh nhân nào sức khỏe cho phép có thể về Hà Nội được thì mới đưa về”.
Dự đoán về nguyên nhân củaviệc các bệnh nhân bị sốc phản vệ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai khẳng định có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến vụ tai biến này. Có thể do quá trình lọc máu với rất nhiều công đoạn từ máy móc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, xử lý nước và rất nhiều thuốc mà bệnh nhân phải dùng; rồi có thể do yếu tố con người, môi trường xung quanh.