Luật sư Trương Thanh Đức: 'Không nên cấm bán nợ xấu cho nước ngoài'
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:36, 23/05/2017
Nghị quyết xử lý nợ xấu: Sớm hay muộn?
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bế tắc trong xử lý nợ xấu là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đang được bàn thảo tại kỳ hợp này cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ…; đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD; có cơ chế hỗ trợ phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của TCTD.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, các quy định trong dự thảo hoàn toàn phù hợp Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tổ ngày 23.5, nhiều đại biểu vẫn còn ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), việc bổ sung nghị quyết này vào kỳ họp là quá gấp vì chưa nghiên cứu kỹ. Bên cạnh đó, nghị quyết có những quy định trái với một số luật hiện hành sẽ gây ra sự không đồng tình của cử tri.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng cần điều chỉnh lại cách tháo gỡ nợ xấu và các Bộ, ngành, doanh nhân, ngân hàng, luật gia… cần ngồi lại với nhau để tìm giải pháp mà không nhất thiết phải trái với luật hiện hành.
Cùng với đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng bày tỏ băn khoăn rằng, nợ xấu gây tổn thất lớn cho xã hội, nhưng liệu nghị quyếtnày ban hành có khiến một số người thoát trách nhiệm? Nhà nước phải đi lãnh mấy chục ngàn tỉ và phải chịu trách nhiệm trước dân bằng ngân sách, bằng tiền của dân là không hợp lý.
Nêu ý kiến tại cuộc họp, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho rằng nghị quyết này phải xác định rõ phạm vi giải quyết nợ xấu từ 31.12.2016 trở lại, và chỉ tồn tại trong 5 năm. Nếu không, sẽ có một bộ phận trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục gây ra nợ xấu và dựa vào văn bản này để giải quyết.
Ông Đức cũng đề nghị, nghị quyết này cần quy định không sử dụng ngân sách để mua nợ xấu; có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với những người xảy ra nợ xấu và đặc biệt, ông Đức đề nghị không được phép bán nợ xấu cho nước ngoài.
“Sau vụ việc cho người nước ngoài mua nhà cửa đã dẫn đến câu chuyện có rất nhiều tài sản đã thuộc về người nước ngoài. Nếu làm như vậy với nợ xấu, điều gì sẽ dẫn đếnvới an ninh quốc gia?”, đại biểu này nói.
Không thể cấm việc bán nợ xấu cho nước ngoài
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nguyên nhân trước hết và cơ bản dẫn đến nợ xấu là do người vay không trả được nợ. Trách nhiệm chủ yếu và cuối cùng phải trả nợ xấu là của bên vay.
“Nếu như người vay không còn khả năng trả nợ, lại chẳng có tài sản bảo đảm thì ngân hàng đành phải chấp nhận xoá nợ. Nhưng nghịch lý đáng ngại là đa số nợ xấu của ngành ngân hàng đều có tài sản bảo đảm nhưng lại quá khó, quá chậm được xử lý để thu hồi nợ. Vấn đề vướng mắc chủ yếu đặt ra là đối với tài sản thế chấp, trong đó hầu hết là đối với bất động sản”, ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng, việc pháp luật ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để con (khách) nợ và bên thế chấp tài sản nói chung, thế chấp nhà ở nói riêng phải tôn sự trọng cam kết, thoả thuận, tăng thêm ý thức, trách nhiệm pháp lý của mình trong việc trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
“Nếu như bỏ quy định về quyền thu giữ tài sản thế chấp thì nghĩa vụ “giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” theo quy định tại Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ lập tức trở về gần như bằng không. Khi đó, nguy cơ càng khó xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm”, ông Đức nói.
Theo luật sư này: “Nợ xấu có thể ví giống như sản phẩm tồn đọng, như hàng hoá khuyết tật, như đồ dùng quá hạn, như thời trang lỗi mốt. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết thanh lý, hạ giá, giải toả càng nhanh càng tốt. Vậy mà thanh lý không được, hạ giá không xong, giải toả không nổi do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự trở ngại, khó khăn, vướng mắc, bế tắc pháp lý”, ông Đức ví von.
Do đó, ông Trương Thanh Đức cũng không đồng tình về ý kiến không nên bán nợ cho nước ngoài. Bởi vì theo ông Đức, với những hàng hóa, công nghệ khác thì còn sợ nước ngoài, còn tài sản bảo đảm toàn là những cơ sở vật chất ở Việt Nam thì không cần thiết phải hạn chế. Những khu vực an ninh quốc phòng, rừng phòng hộ thì đã có quy định rồi.
“Bao nhiêu năm nay vướng mắc chuyện đất không được thế chấp cho tổ chức, cá nhân, chỉ được thế chấp cho tổ chức tín dụng nên mới cần phải xử lý. Nếu giờ không cho phép bán nợ xấu cho nước ngoài thì rất khó giải quyết nợ xấu”, ông Đức nói.
Theo vị này, xử lý nợ nấu là xử lý cho quốc gia, cho nền kinh tế chứ không phải cho ngành ngân hàng. Ngân hàng là túi nợ chứ không phải con nợ. Con nợ chính là một số tập đoàn Nhà nước, là hàng vạn doanh nghiệp. Nền kinh tế dựa vào "mạch máu" làngành ngân hàng, nếu không khai thông được mạch máu đó thì sẽ rất khó khăn.
Cơ hội để giải quyết nợ xấu
Nghị quyết xử lý nợ xấucó thể góp phần thúc đẩy việc xử lý nợ xấu vì đã tạo ra những cơ chế thuận tiện cho việc thanh lý. Theo đó, nghị quyết này cho phép thanh lý quyền sử dụng đất để giải quyết những hợp đồng vay nợ thì những tài sản này có thể giải chấp được. Khi đã giải chấp được thì có thể xử lý được nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc chấp nhận định giá các khoản nợ xấu theo giá thị trường cũng là một điểm tích cực. Trước nay, nợ xấu chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng, trong khi 5 năm qua, ngân hàng đã trích đủ quỹ dự trữ thì hiện nay nên chấp nhận bán khoản nợ cho ai đó, dù giá trị chỉ còn 10-20% còn hơn là cứ để khoản nợ nằm đó.
Quốc hội sẽ xem xét cho phép bán khoản nợ xấu cho nước ngoài. Điều này chúng ta mong muốn từ rất lâu nhưng vấn đề là cơ chế bán như thế nào, nhất là những tài sản gắn liền với đất thì người mua sẽ đượcsử dụng ra sao,quản lý thế nào?
Trước nay vấn đề này chưa rõ ràng vì cơ chế không đầy đủ. Nếu không rõ ràng thì không ai dám mua. Nếu cho phép những điều này thì không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng mua tài sản thế chấp, mua nợ xấu. Dự thảo này là cơ hội để giải quyết những khoản nợ xấu trong nền kinh tế một cách tốt nhất, nền kinh tế khỏe mạnh hơn, dòng vốn được khơi thông.
(PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính)